Doanh nghiệp ngại vay vốn
Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu cói Thành Hóa (Yên Khánh), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ uy tín của tỉnh. Hiện doanh nghiệp có trên 130 lao động thường xuyên và khoảng 6.000-7.000 lao động vệ tinh ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu là cói, bèo, bẹ chuối… Năm 2013, doanh nghiệp xuất khẩu trên 2 triệu sản phẩm, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Riêng trong quý I-2014, doanh thu của doanh nghiệp đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Anh Dũng, Phó Giám đốc Công ty: Doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đủ cho cả năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp chủ yếu gia công các mặt hàng xuất khẩu gián tiếp cho công ty trung gian. Việc tìm kiếm bạn hàng mới đang gặp rất nhiều khó khăn. Kế hoạch ngắn hạn trong năm nay doanh nghiệp chưa tính đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh mà chỉ tập trung duy trì sản xuất. Ông Đỗ Anh Dũng cho rằng: "Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm dưới 10%, mức lãi suất này khá hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay thêm vốn của các tổ chức tín dụng, số vốn vay cũ chủ yếu để duy trì lượng hàng dự trữ trong các thời điểm nhất định".
Không chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ở trong tư thế "giữ mình" mà cả những doanh nghiệp lớn trong thời điểm này cũng không mặn mà với việc mở rộng sản xuất. Ông Hà Đăng Tài, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu gỗ Tài Anh nói: Rất nhiều ngân hàng đến mời chào chúng tôi vay vốn với mức lãi suất khá hấp dẫn, nhưng hiện nay doanh nghiệp chưa tính đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Với sức tiêu thụ của thị trường chưa thực sự khởi sắc thì việc duy trì sản suất, kinh doanh như hiện nay của Công ty đã là một thành công.
Không khó khăn lắm về thị trường tiêu thụ, sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nhưng Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Hoàng Bá (Yên Mô) lại khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Giám đốc Hoàng Ngọc Bá cho biết: Mặc dù luôn được đánh giá là khách hàng loại A, nhưng các chính sách của các Ngân hàng hiện nay vẫn chưa ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý còn gặp khó khăn do ngân hàng đánh giá giá trị tài sản thế chấp của doanh nghiệp chỉ đạt 50% và như vậy doanh nghiệp chỉ vay được 30% giá trị tài sản thế chấp. Với mức đánh giá tài sản thế chấp quá thấp của các ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp đã phải tìm giải pháp là vay "tín dụng đen" với lãi suất cao để duy trì và ổn định sản xuất.
Theo ông Dương Biên Thùy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng mới chỉ tạo ra tâm lý lạc quan, còn thực tế tình hình doanh nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng nhanh, nguy cơ đình đốn sản xuất đã lộ rõ. Hiện, toàn tỉnh có 4.236 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, lũy kế đến hết quý I đã có 510 doanh nghiệp, chi nhánh quyết định giải thể doanh nghiệp… Những con số trên cũng phần nào minh chứng cho tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cần nhiều biện pháp "trợ lực" kịp thời
Nhìn nhận một cách tổng quan về tình hình của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Khó khăn của doanh nghiệp đã "chạm đáy" và bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, theo dự báo thời gian tới doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa thể khắc phục một cách nhanh chóng. Một số ngành, sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm, khả năng cạnh tranh kém, nguồn lao động chưa bảo đảm nhu cầu về chất lượng.
Bên cạnh đó, tỷ giá VNĐ/USD, giá vàng biến động tăng, giảm khó lường, không thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ vẫn chậm khiến hàng tồn kho tăng nên doanh nghiệp có vay được vốn với lãi suất ưu đãi chưa chắc đã cải thiện được tình hình. Do vậy, việc trợ lực kịp thời cho doanh nghiệp là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và khu vực có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Chí Tình cũng cho biết: Tỉnh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, tiếp cận mở rộng thị trường, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực nâng cao tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh sự trợ giúp của Nhà nước thì tự thân các doanh nghiệp cũng phải có phương án sản xuất, kinh doanh, quản trị tài chính hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế. Tăng cường khả năng liên kết và hợp tác của doanh nghiệp để huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm được chi phí tài chính.
Đại diện Cục Thuế tỉnh cũng cho biết: Ngành thuế luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn và đối thoại với người nộp thuế trên 800 doanh nghiệp về các chính sách thuế mới sửa đổi và bổ sung. Trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản như: hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng; quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn... Bên cạnh đó, Cục thuế cũng đã thực hiện tốt quy chế "một cửa", tổ chức tiếp nhận các thủ tục hành chính thuế và hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế tỉnh không chỉ góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp mà còn chung sức cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách địa phương.
Nguyễn Thơm