Hiện họ Nguyễn Đình ở phố Bình Hòa thuộc phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình có tất cả 6 chi, 52 hộ với 170 nhân khẩu. Con cháu của dòng họ chủ yếu sinh sống tập trung ở phố Bình Hòa, một số sinh sống ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Họ tộc Nguyễn Đình vốn có truyền thống hiếu học từ cụ tổ Nguyễn Đình Chi là người có học, thi cử đỗ đạt được cử về Ninh Bình làm quan, từ đó về sau, đời nào cũng có người đỗ đạt.
Với bản lĩnh, ý chí quyết tâm và một cơ chế khuyến tài mà dòng họ đặt ra để khích lệ, động viên con cháu vượt lên trong học tập, rèn đức luyện tài. Truyền thống đầy giá trị nhân văn ấy tiếp tục được phát huy và gìn giữ cho đến ngày nay, theo đó mà dòng họ Nguyễn Đình thế hệ nào cũng xuất hiện những gia đình, cá nhân nêu gương sáng trong tu dưỡng "khổ học thành tài".
Chưa kể những vị túc nho, những người thành đạt thuộc thế hệ trước, chỉ tính những năm sau ngày đất nước thống nhất đến nay con cháu họ Nguyễn Đình dù đời sống mọi mặt còn khó khăn, vẫn vượt lên hoàn cảnh, ăn học thành tài, dòng họ có 1 tiến sỹ, phó giáo sư là ông Nguyễn Đình Am, nguyên Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 cán bộ cao học là chị Nguyễn Thị Thanh Phương và anh Nguyễn Đình Tân.
Hiện họ Nguyễn Đình có 48 người có trình độ đại học, cử nhân các chuyên ngành, 12 người có trình độ cao đẳng và trung cấp các loại, 100% các cháu trong độ tuổi đều đang theo học ở các trường mầm non đến THPT.
Những năm gần đây, mỗi năm dòng họ Nguyễn Đình có từ 2 đến 3 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, chiếm tới 95% số cháu tốt nghiệp THPT. Một truyền thống đáng quý là qua nhiều thế hệ, con cháu họ Nguyễn Đình chưa một ai thất học, bỏ học, chưa một ai vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội.
Thời nào, dòng họ Nguyễn Đình cũng có không ít những gia đình nêu gương trong việc nuôi dạy con cháu ăn học thành tài, tiêu biểu như cụ Nguyễn Đình Tôn, một nhà giáo mẫu mực, cả một đời tận tụy "vì sự nghiệp trồng người".
Cụ có 5 người con trai, 2 con dâu đều có trình độ cao đẳng, đại học, đều làm nghề dạy học. Sinh thời, ngoài việc dạy học ở trường, về nhà cụ còn dạy thêm cho con cháu trong dòng họ về văn hóa, về đạo đức làm người, giáo dục con cháu về truyền thống hiếu học của dòng họ, của quê hương, theo cụ "không có học thì không bao giờ nên người".
Cụ Nguyễn Đình Am, từ nhỏ đã vượt khó vươn lên trong học tập, nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ, cụ đã tích cực rèn đức, luyện tài, trở thành người thầy giáo.
Nhận thấy ông là người thông minh mẫn tiệp, lại có chí tiến thủ, tổ chức đã cử ông đi nước ngoài du học, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Liên Xô cũ, được phong hàm Phó Giáo sư, được đề bạt làm Vụ trưởng Vụ cấp III (nay là Vụ THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Nhiều gia đình như gia đình ông Nguyễn Tất Thắng cả 2 vợ chồng, 2 người con đều có trình độ đại học, ông Nguyễn Tiến Lãng có 8 người con, con trai, con dâu, con rể đều có bằng đại học, ông Nguyễn Đình Trường có 4 người con (trai, dâu, rể), bà Nguyễn Thị En có 8 người con (trai, gái, dâu, rể) đều có bằng đại học. Ông Nguyễn Đình Thanh điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nhưng vẫn cố gắng bươn trải nuôi 2 con theo học đại học, cao đẳng… Những tấm gương như thế đều được thể hiện đầy đủ ở từng gia đình, ở từng con người của dòng họ Nguyễn Đình.
Dòng họ Nguyễn Đình không chỉ có truyền thống hiếu học mà còn là dòng họ có truyền thống yêu nước, sau trước kiên trung, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng. Suốt 30 năm của cuộc trường chinh đánh Pháp rồi đánh Mỹ, dòng họ đã có 35 người tham gia vào lực lượng vũ trang, trong đó có 31 người trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù khắp mọi nẻo chiến trường.
Trong hòa bình, không ít người được cử đi học tại các trường chuyên ngành của Bộ Quốc phòng trở thành những sỹ quan có năng lực, trình độ được giao nhiều trọng trách tại các đơn vị.
Hiện dòng họ Nguyễn Đình có 13 sỹ quan trung cao cấp, trong đó quân đội 11, công an 2, có 29 sỹ quan chuyên nghiệp, hầu hết có trình độ đại học và trên đại học.
Tấm gương cụ bà Nguyễn Thị Trang chỉ có một người con trai duy nhất vẫn động viên con tình nguyện cầm súng lên đường đánh giặc và đã anh dũng hy sinh ở chiến trường B, cụ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam Anh hùng".
Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, con cháu họ Nguyễn Đình đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 73 huân, huy chương và nhiều bằng khen các loại.
Ngay sau khi xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư (nay là phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) có tổ chức khuyến học, dòng họ Nguyễn Đình đã sớm thành lập Ban khuyến học dòng họ do ông trưởng họ trực tiếp làm trưởng ban, các ông trưởng các chi họ tham gia vào ban chấp hành.
Nội dung khuyến học được đưa vào hương ước của dòng họ, coi công tác khuyến học, khuyến tài là một nghĩa vụ mà mọi người trong họ tộc phải nghiêm túc thực hiện. Ban khuyến học dòng họ đã giao cho từng gia đình thống kê số con cháu đang theo học tại các trường từ mầm non đến đại học, cao đẳng, cam kết trách nhiệm chăm lo, đầu tư cho con cháu ăn học nên người.
Ban khuyến học dòng họ phân công từng thành viên phụ trách đến từng chi, từng cụm hộ giám sát, theo dõi kết quả học tập của con cháu cũng như những biểu hiện tiêu cực, có biện pháp uốn nắn và ngăn chặn kịp thời. Theo đó mà con cháu nào trong dòng họ cũng chăm ngoan, chịu khó, học hành đạt kết quả cao, năm nào cũng có các cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố.
Những vị cao niên trong dòng họ đều tham gia tổ tư vấn cho Ban khuyến học dòng họ về hình thức tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, về giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ cho thế hệ con cháu.
Việc xây dựng quỹ khuyến học được Ban khuyến học dòng họ đặc biệt quan tâm, bình quân mỗi năm mỗi gia đình đóng ít nhất cho quỹ 50.000 đồng. Hàng năm vào Tết thanh minh, vào dịp họp họ, dòng họ đều kêu gọi những con cháu đi làm ăn xa thành đạt, những hộ có điều kiện kinh tế ủng hộ cho quỹ khuyến học.
Việc làm đó được mọi người đồng tình ủng hộ, không ít gia đình như ông Am, ông Sơn, bà En, gia đình ông Hà, ông Phố, ông Thành, ông Lũng và nhiều gia đình khác cũng ủng hộ cho quỹ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Tính từ năm 2005 trở lại đây, sau khi phát thưởng cho các cháu số dư quỹ vẫn còn trên dưới 15.000.000 đồng.
Việc tổ chức phát thưởng cho học sinh giỏi, trợ cấp cho học sinh nghèo vượt khó hàng năm thường được tổ chức vào ngày giỗ tổ, vào dịp Tết thanh minh. Buổi lễ được tổ chức trang trọng tại từ đường. Sau lễ tế tổ là lễ trao thưởng cho con cháu là học sinh giỏi, học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng, học sinh nghèo vượt khó.
Những học sinh giỏi từ cấp thành phố trở lên, học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng được thưởng 100.000 đồng, còn lại đều thưởng 50.000 đồng, mỗi đợt phát thưởng, Ban khuyến học dòng họ thường chi hết từ 3.500.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Với những thành tích đạt được trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, dòng họ Nguyễn Đình đã được UBND, Hội Khuyến học phường Ninh Khánh khen thưởng và hiện đang được Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình xét tặng trướng Khuyến học vào dịp gặp mặt liên hoan gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu toàn tỉnh vào đầu quý III-2013.
Thùy Linh