Phóng viên (P.V): Khi nói đến bộ môn lý luận chính trị, hiện giờ không ít người vẫn cho rằng đây là một bộ môn khó, trừu tượng lại ít liên quan đến chuyên môn. Là một giảng viên đã có 10 năm tham gia giảng dạy lý luận chính trị, chị nghĩ sao về quan điểm này? Thạc sỹ Lê Thị Ngọc Thùy: Câu hỏi này giúp tôi nhớ lại chính bản thân mình của hơn 10 năm trước, khi đó tôi vừa mới tốt nghiệp PTTH và được gia đình định hướng thi vào ngành giáo dục chính trị của Đại học Sư phạm I. Sự lựa chọn này ban đầu khiến tôi rất băn khoăn với mặc cảm là nó khó và rất khô khan. Nhưng rồi suy nghĩ ấy nhanh chóng thay đổi khi tôi được gặp gỡ, được học hỏi những người thầy đầu tiên trên giảng đường đại học.
Ngoài việc cố gắng truyền đạt hết nội dung quy định trong chương trình và giáo trình, các thầy cô còn tìm cách phát huy được tối đa tính tích cực, chủ động của sinh viên, từ đó khơi dậy niềm say mê, hứng thú, tích cực trong học tập của chúng tôi. Đây cũng chính là một phẩm chất vô cùng quý giá của người học trong xã hội hiện đại.
Đặc biệt, ngay từ ban đầu các thầy cô cũng giúp chúng tôi hiểu rằng học tập và nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là một công việc khó khăn, song rất quan trọng và có ý nghĩa. Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thuộc câu, thuộc chữ mà nắm lấy tinh thần và toàn bộ phương pháp để ứng xử với con người và thực hành trong công tác thực tế.
Và chính tấm gương về lòng say mê với hoạt động giảng dạy, sự chủ động, sáng tạo, ham học hỏi, tìm kiếm tri thức của các thầy cô giáo đối với bộ môn lý luận chính trị đã giúp tôi tiếp cận bộ môn này một cách nhẹ nhàng hơn, say mê hơn, thậm chí còn rất yêu thích việc nghiên cứu, tìm tòi về môn học. Tôi nghĩ rằng mình sẽ luôn mang theo bầu nhiệt huyết này để góp phần làm thay đổi những e ngại, những băn khoăn của mọi người, nhất là thế hệ trẻ về bộ môn lý luận chính trị.
P.V: Chị đã làm thế nào để truyền được những nhiệt huyết ấy đến các sinh viên của mình?
Thạc sỹ Lê Thị Ngọc Thùy: Hiện nay tôi đang trực tiếp giảng dạy Môn học Đường lối cách mạng của ĐCSVN là một trong ba môn học Lý luận chính trị. Thực tế đây là môn học khó, mới mẻ và có tính khái quát cao, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực trừu tượng và tư duy rộng. Và muốn học tốt môn học này, trước hết cần giúp các em hiểu được cả tiến trình lịch sử của cách mạng thế giới.
Trong đó không thể không nhắc đến Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có sức ảnh hưởng to lớn, tạo động lực tinh thần, định hướng con đường phát triển của Việt Nam. Theo ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc,...
Thực tế để có thể mang đến cho sinh viên những kiến thức, những hiểu biết rộng lớn này tôi đã dùng những câu chuyện, những hình ảnh sống động và gần gũi mà mình đã sưu tầm được về nước Nga, về Cách mạng Tháng 10 Nga.
Cùng với việc chú trọng trang bị kiến thức vững vàng, trong quá trình giảng dạy, tôi còn cố gắng sử dụng các phương pháp phù hợp với đặc điểm nhận thức, phù hợp với từng nhóm chuyên ngành khác nhau, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như nêu vấn đề, thảo luận, đàm thoại,... để có thể khơi gợi được hứng thú học tập của sinh viên, phát huy được tính tích cực, chủ động của các em.
Nhưng trước hết ngay từ buổi đầu lên lớp tôi và các đồng nghiệp của mình đã rất chú trọng đầu tư tìm tòi cách giới thiệu về môn học và ý nghĩa của việc học tập môn học này để giúp sinh viên thấy được vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo. Cùng với đó là tăng cường sự kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau tùy thuộc vào nội dung từng bài học.
Bên cạnh việc tìm tòi các phương pháp giảng dạy tích cực trên giảng đường, hiện nay tôi cũng dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới. Tôi hy vọng rằng niềm say mê trong nghiên cứu khoa học, tính nghiêm túc trong việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ của mỗi người thầy như chúng tôi cũng sẽ là tấm gương để khơi gợi tính tích cực, tự giác trong học tập của sinh viên.
P.V: Khi đã tiếp cận và nghiên cứu môn học này, các sinh viên của chị thể hiện niềm tin và lý tưởng như thế nào, nhất là đối với những sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây rất lâu như Cách mạng Tháng 10 Nga?
Thạc sỹ Lê Thị Ngọc Thùy: Khi giúp sinh viên của mình tiếp cận được với những môn học này, điều mà chúng tôi quan tâm nhất có lẽ là việc nó có tác động như thế nào đến lập trường tư tưởng chính trị và đạo đức của các em. Và thực tế rất đáng ghi nhận là các sinh viên đều có nhận thức và đánh giá đúng những biến động trong xã hội, giữ vững được lập trường tư tưởng chính trị của mình, có niềm tin và lý tưởng cao đẹp.
Đặc biệt, những ngày này khi nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sinh viên Trường Đại học Hoa Lư cũng đã có rất nhiều hoạt động hưởng ứng, thể hiện được sự trân trọng đối với sự kiện có tầm vóc và ý nghĩa chính trị to lớn này thông qua các chương trình tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt chuyên đề…
Các ý kiến đều khẳng định, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Đất nước, con người Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển bền vững, quốc phòng an ninh được tăng cường,… Như vậy, mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, đem lại hạnh phúc thực sự cho họ mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra là hiện thực.
P.V: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Đào Duy (thực hiện)