Đối với Ninh Bình, 15 năm qua, phong trào ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần ổn định an ninh chính trị, tạo không khí dân chủ trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, huy động nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển bền vững.
Nổi bật trong phong trào này là nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo đó, ở khắp các địa phương trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển giao KHKT… Hàng năm, số hộ khá, hộ giàu tăng lên, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đứng ra tín chấp cho các gia đình hội viên vay vốn Ngân hàng CSXH hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,3% năm 2000 và xuống còn 3,35% năm 2014. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 22.812 hộ, chiếm 8,01%, hộ cận nghèo là 18.331 hộ, chiếm 6,44%.
Hưởng ứng cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", trong 15 năm qua, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ số tiền trên 69 tỷ đồng; thực hiện xây mới và sửa chữa 10.342 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Hàng năm trợ cấp cho 40.452 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên, đi thăm, tặng trên 60 nghìn suất quà và 400 tấn gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi nhân dịp lễ, Tết với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Thực hiện phong trào chung sức "Xây dựng nông thôn mới", các địa phương, đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân và trong cộng đồng dân cư về thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm (2011-2015), tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 17.095 tỷ đồng. Đã có 76 xã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, các hộ gia đình đã hiến trên 1.121 ha đất để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp lại hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương. Đến hết năm 2015, đã có 40/119 xã của tỉnh đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn nông thôn mới", chiếm 33% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Phong trào xây dựng đô thị văn minh đã và đang được triển khai thực hiện rộng khắp tại các phường, thị trấn trong tỉnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quyết tâm thực hiện. Đã có 8/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm 34,7%.
Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai đồng bộ, lồng ghép trong các phong trào thi đua, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, được nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 111/145 xã, phường, thị trấn và 1.396/1.673 thôn, bản, phố có nhà văn hóa và khu thể thao. Đây là cơ sở để hình thành và phát triển các CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.112 đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng, 674 câu lạc bộ thể dục thể thao, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn người tham gia sinh hoạt. Toàn tỉnh có 24,5% gia đình thể thao, 28,7% người dân tập luyện thể thao thường xuyên.
Công tác xây dựng xã hội học tập, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia thực hiện. Phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học" và "Cụm dân cư hiếu học" ngày càng phát triển rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh có 35.226 gia đình hiếu học, 810 dòng họ hiếu học. Các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn xóm, cơ quan, trường học trong tỉnh đều có các tổ chức và hoạt động khuyến học, khuyến tài. Năm 2012, tỉnh thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh, góp phần động viên, giúp đỡ các em học sinh, sinh viên xuất sắc, có tài năng tiếp tục phấn đấu vươn lên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 382/469 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt 81,4%. Tỉnh Ninh Bình là đơn vị thứ 3 trong cả nước có tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia cao nhất, là một trong số ít tỉnh có 100% trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.
Việc chăm lo sức khỏe cộng đồng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Các trạm y tế được xây dựng, thiết bị khám, chữa bệnh dần được nâng cấp đồng bộ. Đến hết năm 2015 đã có 78/145 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 53,8%); số lượng bác sĩ làm việc tại địa phương ngày càng nhiều, đến nay đã có 9,6 bác sĩ/1 vạn dân, 1,7 dược sĩ đại học /1 vạn dân, 71% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc; 100% thôn, bản có nhân viên y tế; 70,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế...
Phong trào xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được nhân dân đồng tình ủng hộ và chủ động, tích cực tham gia thực hiện. Mỗi phố xóm, mỗi tuyến đường đều có tổ tự quản vệ sinh môi trường, hoạt động có nề nếp, hiệu quả. Việc đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập được các địa phương quan tâm quy hoạch, đầu tư ngân sách và vận động nhân dân đóng góp xây dựng, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu nhi vui chơi, rèn luyện thân thể. Đến nay đã có 8/8 huyện, thành phố và 145/145 xã, phường, thị trấn thực hiện việc quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục, thể thao, điểm vui chơi cho trẻ em gắn với xây dựng nhà văn hóa, 40 xã đạt tiêu chí thể thao về xây dựng nông thôn mới, trên 60% làng, bản, xóm, phố có sân bãi thể thao.
Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" được ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, vận động các cá nhân, tập thể tích cực tham gia cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", "Tháng cao điểm Vì người nghèo" và Chương trình "Nối vòng tay lớn" hàng năm. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp người già cô đơn, tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam… đã trở thành hoạt động thường xuyên ở cộng đồng khu dân cư. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác người có công.
Đối với phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", các địa phương đã bám sát tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò và vị trí của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Chất lượng cuộc sống của các gia đình ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, tỷ lệ hộ có kinh tế khá, giàu ngày một tăng. Việc công bố quyết định công nhận và công nhận lại gia đình văn hóa hàng năm được tổ chức vào dịp "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" (18-11) do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì; số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ở các địa phương đã được nâng lên, từ 38,3% năm 2001 tăng lên 86,1% năm 2015.
Công tác xây dựng làng (thôn, bản, phố) văn hóa thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Từ 17,5% làng, bản, phố văn hóa năm 2001, đến nay toàn tỉnh đã có 74,6% làng, tổ dân phố văn hóa; trong đó có 324 làng có từ 5 đến 7 năm liên tục đạt danh hiệu văn hóa, 157 làng, phố có 7 đến 9 năm liên tục đạt danh hiệu văn hóa; đặc biệt có 28 làng 10 năm liên tục trở lên đạt danh hiệu làng văn hóa. Tiêu biểu như làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô) được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Hoạt động xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có chất lượng. Đến năm 2015, đã có 735/1.153 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 59,3%.
Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Hiện tượng tổ chức ăn uống linh đình giảm rõ rệt. Các hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan, các biểu hiện thương mại, trục lợi đã và đang bị lên án, loại bỏ, những nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang dần được khẳng định. Đến nay 100% quy ước, hương ước trên địa bàn có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các hoạt động lễ và hội trong tỉnh đang dần đi vào nề nếp và hình thành các mô hình quản lý phù hợp.
Phong trào xây dựng gương "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến được triển khai thực hiện rộng khắp trên các lĩnh vực, gắn với phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, đoàn thể. Kết quả đã có trên 250.000 người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp. Trong đó, ở cấp tỉnh trên 12.000 người, cấp huyện trên 90.000 người và cấp xã trên 100.000 người, tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục lan tỏa, cổ vũ mọi người tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Có thể nói, những kết quả đạt được từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, các tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hạnh Chi