Qua công tác quản lý Nhà nước của Sở Giao thông- Vận tải, hàng ngày, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bến đò có sự qua lại của phương tiện, hành khách qua sông nhưng chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách chưa có ý thức chấp hành tốt các quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh. Trước thực trạng đó, Đảng ủy Sở Giao thông- Vận tải đã chỉ đạo xây dựng mô hình "Dân vận khéo" về vận động chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đò; tạo thói quen, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân.
Trên cơ sở cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" của ủy ban ATGT quốc gia, mô hình "Dân vận khéo" của Sở đã tập trung huy động các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đối với đơn vị chủ trì mô hình, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn hàng tháng tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa trên các tuyến giao thông và tại các bến đò để tuyên truyền về luật ATGT. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Sở đã tiến hành hàng chục lượt đi cơ sở để gặp gỡ trực tiếp các chủ phương tiện đò ngang, vừa để làm thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật, phương tiện, vừa kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT.
Đặc biệt, để các nội dung của luật đến được với người dân, công tác tuyên truyền đã được Sở kết hợp bằng nhiều hình thức: Lễ ra quân tháng cao điểm ATGT; duy trì mô hình văn hóa giao thông đường thủy tại bến đò Mười, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh; tổ chức hội thi, tọa đàm về ATGT; mô hình bến đò an toàn tại xã Thượng Kiệm và xã Kim Tân (huyện Kim Sơn)…Từ năm 2016 đến nay, nhất là vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động kiểm tra các bến khách ngang sông, thông qua đó nhắc nhở các chủ bến đò thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, đồng thời, cấp phát hàng nghìn tài liệu tuyên truyền về ATGT cho các chủ bến đò, chủ phương tiện để biết và thực hiện… Với nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, ngành Giao thông vận tải phấn đấu đến năm 2020 có 95% chủ đò, thuyền viên, người lái đò mặc áo phao và có 90% khách đi đò tự giác mặc áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò…
Đối với mô hình "Dân vận khéo" về nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương lại có ý nghĩa thiết thực nhằm khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Chi bộ Trung tâm đã chỉ đạo xây dựng mô hình trên cơ sở xuất phát từ thực tế nhiệm vụ để có các giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại.
Với công tác khuyến công, Trung tâm đã chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, triển khai hoạt động tư vấn cung cấp thông tin. Mọi hỗ trợ đều được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm, gắn hoạt động khuyến công với tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại đã tập trung triển khai các hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp cần như: Hỗ trợ thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, đưa hàng hóa vào siêu thị, trung tâm thương mại, hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày sản phẩm, tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ…
Để công tác này đạt hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã nâng cao trách nhiệm, năng động, tự tin, vận dụng linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cách thức tham gia các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại được Trung tâm thực hiện ngày càng đơn giản, nhanh gọn hơn. Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Trung tâm đã thay đổi cách thức làm việc, thay vì trông chờ doanh nghiệp đến liên hệ, Trung tâm chủ động liên hệ với doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp; nếu các thủ tục hành chính liên quan có vướng mắc, cán bộ Trung tâm sẽ phối hợp giải quyết tận tình, chu đáo, trách nhiệm. Do đó, hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại đã không chỉ đưa chính sách vào cuộc sống mà còn phản ánh kịp thời các bất cập trong chính sách để cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung.
Đồng thời, Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển: Năm 2016, công tác xúc tiến thương mại đã thực hiện 16 đề án; công tác khuyến công thực hiện hỗ trợ cho 32 đề án; năm 2017, kinh phí khuyến công địa phương được HĐND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 38 đề án của 29 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh… Qua đó, đã động viên, huy động được nhiều nguồn lực tham gia, đóng góp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Từ các mô hình "Dân vận khéo" được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả tại Sở Giao thông - Vận tải và Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương, có thể khẳng định: Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Bùi Diệu