Điểm nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước ở Yên Mô thời gian qua đó là phong trào đã được phát động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các phong trào thi đua "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới cơ cấu giống, mùa vụ, thâm canh tăng năng suất cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa", "Thi đua phát triển kinh tế trang trại", "Đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng", "Trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa" và phong trào "Thi đua thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"… đã được phát động sâu rộng trong toàn huyện, tạo bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp. 5 năm qua (2010-2015), năng suất lúa bình quân hàng năm đạt từ 121-124 tạ/ha; sản lượng lương thực bình quân đạt 84.206 tấn/năm, tăng 3,1% so với bình quân 5 năm 2005-2010. Sản xuất vụ đông từng bước được đảm bảo ăn chắc, hiệu quả, dần trở thành vụ sản xuất thứ 3 trong năm. Để phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, huyện Yên Mô đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ để nông dân tiếp thu, mở rộng diện tích các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như: Đỗ tương, lạc, bí xanh, dưa bao tử, ngô giống, ngô ngọt phục vụ chế biến và xuất khẩu với quy mô hàng trăm ha/vụ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 105 triệu đồng, tăng 24,5 triệu đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,7 triệu đồng (tăng 8,6 triệu đồng). Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn như các xã: Yên Thái, Yên Lâm, Yên Hòa và các HTX Liên Phương, Bình Hải (xã Yên Nhân), Đông Thượng (xã Khánh Thượng), HTX Bình Minh (xã Yên Từ), HTX Khương Dụ (xã Yên Phong)…
Song song với đẩy mạnh sản xuất cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản được các địa phương trong huyện Yên Mô quan tâm chỉ đạo và tiếp tục phát triển ổn định theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ, manh mún đã chuyển sang hình thức công nghiệp, theo mô hình trang trại, gia trại. Hiện Yên Mô có 38 trang trại và 260 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả cá, trong đó có nhiều trang trại có quy mô theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đạt doanh thu hàng năm từ 2 tỷ đến hơn 5 tỷ đồng, tiêu biểu là trang trại tổng hợp của ông Hoàng Văn Điền, xã Yên Mạc; ông Nguyễn Văn Hội, xã Khánh Dương; ông Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong; ông Vũ Văn Tâm, xã Yên Thái...
5 năm qua, các phong trào thi đua "Thi đua lao động giỏi ", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả", "Tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm"… được các cấp, các ngành trong huyện Yên Mô phát động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất CN- TTCN. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Yên Mô để mở xưởng sản xuất, xây dựng nhà máy… Năm 2010, huyện mới chỉ có 104 doanh nghiệp, thì đến nay đã có 217 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Các nghề truyền thống ở địa phương như nghề mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren, gốm mỹ nghệ, mây tre đan... tiếp tục phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.500 lao động và hơn 5.000 lao động thời vụ. Năm 2014, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện đạt 529 tỷ đồng, tăng 408 tỷ đồng so với năm 2010. CN - TTCN phát triển không những tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước mà còn tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động ở vùng nông thôn.
Một trong những phong trào thi đua đem lại hiệu quả rõ nét ở Yên Mô trong hơn 4 năm qua đó là phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Phong trào hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công để chỉnh trang đường giao thông, xây dựng nông thôn mới... được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 2.000 gia đình tự nguyện hiến trên 66 ha đất, trị giá gần 66 tỷ đồng. Ngoài ra, các tầng lớp nhân dân đóng góp gần 20.000 ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, trong 5 năm qua, toàn huyện đã rải nhựa và bê tông hóa được 300 km đường giao thông. Đến nay đã kiên cố được 42 km đê (tăng 18km so với năm 2010), kiên cố 132/145 km kênh mương (đạt 91%), đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và phòng, chống lụt bão. Nhân dân đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm các phương tiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt. Năm 2014 đã có 1 xã đươc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã Yên Thắng), huyện phấn đấu đến hết năm 2015 có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt bình quân từ 13 tiêu chí trở lên so với bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Phong trào thi đua yêu nước còn được Yên Mô phát động rộng khắp trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, tạo bước chuyển tích cực, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã đi vào chiều sâu, đạt kết quả thiết thực. Đến nay, toàn huyện có 85,5% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 206/233 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 88,8%), 2 xã được công nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" và 89% trường học, cơ quan đạt chuẩn văn hóa. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực, công tác quản lý các dịch vụ văn hóa được tăng cường. Phong trào văn hóa, văn nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn huyện đã thành lập được 15 câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, hoạt động thường xuyên, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục được nhân rộng. Phong trào thi đua "Hai tốt" đã được các trường học tích cực triển khai gắn với cuộc vận động "Hai không", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"…, qua đó khơi dậy tinh thần ham học hỏi, tôn sư trọng đạo của vùng quê giàu truyền thống hiếu học.
Nguyễn Thị Minh Thùy
(Trường CĐ kinh tế-kỹ thuật-thương mại)