Theo đánh giá của tỉnh, có 3.479/4.533 mô hình hoạt động hiệu quả (chiếm 76,7%), số mô hình tự quản hoạt đông không hiệu quả chỉ chiếm 2,5%, số còn lại mới được triển khai hoạt động, chưa đánh giá được hiệu quả. Tiêu biểu là trên lĩnh vực an ninh trật tự có 1.269/2.114 mô hình hoạt động hiệu quả. Các mô hình tự quản hoạt động theo hình thức các hộ gia đình tự nguyện cùng cam kết thực hiện các nội dung tự quản về an ninh trật tự theo hương ước, quy ước ở khu dân cư gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Các tổ tự quản đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về hôn nhân, gia đình, tranh chấp đất đai; quản lý, cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư, các đối tượng vi phạm tại địa phương. Tiêu biểu là mô hình "Tiếng kẻng an ninh", mô hình "Camera giám sát" (ở thành phố Ninh Bình); mô hình 4 quản (quản công việc, quản thời gian, quản tài sản, quản quan hệ của đối tượng trong diện thanh, thiếu niên hư); mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự...
Trong lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh có 278 mô hình tự quản với gần 3.000 thành viên, trong đó 85,2% mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả. Hoạt động của các mô hình tự quản đã giúp chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế như: việc thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất; triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; chuyển giao tiến bộ KHKT... Hầu hết các mô hình tự quản trong lĩnh vực kinh tế đều đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ gia đình mạnh dạn đưa những cây, con mới có giá trị, năng suất cao vào nuôi trồng, từ đó khuyến khích các hộ liên doanh, liên kết, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ nhau giải quyết khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là mô hình "nuôi tôm công nghiệp", "trồng bưởi da xanh, ổi, cam", "trồng cây dược liệu"...
Trong nhiều năm qua, Ninh Bình đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình tự quản trên lĩnh vực văn hóa, xã hội và qua khảo sát, đánh giá có tới 96% mô hình hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình tự quản đi vào hoạt động, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh du lịch, việc cưới, việc tang, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... Tiêu biểu là các mô hình: "Thắp sáng đường quê", "Cưới văn minh, tiết kiệm" của tổ chức Đoàn; mô hình vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch ở khu Tam Cốc - Bích Động ở huyện Hoa Lư; mô hình "Cộng đồng khuyến học", "Gia đình, dòng họ hiếu học"...
Để các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư hoạt động hiệu quả, trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động kịp thời. Năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay", với các mục tiêu và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 12 - NQ/TU, đồng thời ban hành Kết luận số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, trong đó, tập trung chỉ đạo đối với hoạt động của các thôn, tổ dân phố, chi đoàn, chi hội và các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 3 quyết định, qua đó tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và các chi đoàn, chi hội, thôn, tổ dân phố ở cộng đồng dân cư hoạt động. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, vật chất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đánh giá nhân rộng các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả. Ban công tác Mặt trận và các chi đoàn, chi hội ở thôn, tổ dân phố đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát động, tổ chức nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tham gia đóng góp công sức, tiền bạc, trí tuệ phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị và nông thôn, miền núi, vùng đồng bào có đạo.
Hoạt động của các mô hình tự quản đã góp phần quan trọng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ nhân dân, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền được củng cố, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Mai Lan