Năm học 2012-2013, có 80 trường dạy chương trình tiếng Anh mới cho học sinh lớp 3. Năm học 2013-2014, 100% số trường tiểu học trong tỉnh dạy học chương trình tiếng Anh mới cho học sinh lớp 3. Chương trình mới, phương pháp giảng dạy theo hướng giao tiếp, lấy học sinh làm trung tâm đã được các cấp, các ngành, phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm.
Toàn tỉnh hiện có 150 trường tiểu học, tính đến thời điểm tháng 11-2013 có 4 trường Tiểu học thuộc 4 huyện được trang bị phòng lab gồm: máy chiếu đa năng, máy tính nối mạng, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, đài đĩa, sách tiếng Anh + băng đĩa, thẻ từ, bảng chữ, bộ nhân vật, 31 bộ thiết bị nhận dạng kiểm tra đánh giá ngữ âm "Robot teacher" cho mỗi trường. 87 trường được trang bị các thiết bị: máy tính nối mạng, máy chiếu, tranh tương tác, mã cốt sách tiếng Anh để sử dụng robot teacher, thẻ từ, bảng chữ, sách luyện chuẩn A1. Học sinh học chương trình tiếng Anh thí điểm 3, 4, 5 theo chuẩn quy định, đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Năm học 2010-2011, có 1 trường tiểu học tham gia dạy thí điểm 4 tiết/tuần với 57 học sinh/2 lớp. Giáo viên dạy thí điểm đạt tương đương trình độ B2 (Toefl 550). Năm học 2011-2012, triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh mới thời lượng 4 tiết/tuần tại 11 trường tiểu học ở cả 8 huyện, thành phố, thị xã. Giáo viên tham gia dạy thí điểm là những giáo viên đạt trình độ C1, B1.
Năm học 2012-2013, chương trình tiếng Anh mới được giảng dạy ở khối lớp 3 tại 100% trường tiểu học của tỉnh, trong đó có 52/150 trường dạy học 4 tiết/tuần, các trường còn lại thực hiện 2-3 tiết/tuần. Giáo viên tiếng Anh ở các trường dạy học 4 tiết trên tuần đạt trình độ C1, B2 theo Khung năng lực chung châu Âu.
Để đáp ứng yêu cầu chất lượng giảng dạy theo chương trình tiếng Anh mới, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về năng lực tiếng Anh và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Kết thúc năm học 2011-2012, tỉnh Ninh Bình có 55/192 giáo viên tiếng Anh có năng lực từ B2 trở lên. Đến tháng 1-2014, toàn tỉnh có 227 giáo viên tiếng Anh, trong đó có 53,3% giáo viên có năng lực C1, B2; 46,7% giáo viên năng lực B1, A2, A1. Do đó, chất lượng học sinh theo chuẩn quy định, đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết được nâng lên qua các năm học: Năm học 2011-2012, học sinh giỏi 27,3%, khá 37,8%, trung bình 33,3%, yếu 1,6%. Năm học 2012-2013, học sinh giỏi 35,6%, khá 40,6%, trung bình 23,2%, yếu 0,6%. Năm học 2013-2014, học sinh giỏi 37,2%, khá 39,8%, trung bình 22,6%, yếu 0,4%.
Khó khăn trong triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình mới tại tỉnh ta là đội ngũ giáo viên tiếng Anh được phủ kín, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp, nhưng số giáo viên tiếng Anh đạt Khung năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế còn hạn chế, đào tạo chủ yếu ở loại hình tại chức; nghiệp vụ sư phạm của giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học còn hạn chế; việc sàng lọc đội ngũ giáo viên yếu kém rất khó khăn. Thiết bị, đồ dùng dạy học nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo lộ trình Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", phấn đấu sau năm 2015: 100% học sinh tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5 học theo chương trình mới; 100% số học sinh lớp 3 được học Tiếng Anh 4 tiết/tuần theo chương trình mới. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây dựng, bổ sung kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo của giáo viên ngoại ngữ. Phấn đấu đến tháng 8-2017 không còn giáo viên tiếng Anh Tiểu học có trình độ dưới chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ. Tiếp tục xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các trường học các cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ.
Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ của thế hệ trẻ; tạo động lực cho giáo viên ngoại ngữ tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng về nội dung chương trình, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.
Tiếp tục tuyển dụng bổ sung giáo viên ngoại ngữ còn thiếu, bồi dưỡng, sàng lọc, nâng cao trình độ và năng lực ngoại ngữ của giáo viên. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực từ A2 lên B1 và từ B1 lên B2.
Từng bước tổ chức thi cấp chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ, mỗi năm tối thiểu khoảng 20% giáo viên được dự thi và khoảng 10% được cấp chứng chỉ phù hợp (bằng hoặc cao hơn chuẩn quy định) với cấp học. Thực hiện chấm dứt hợp đồng hoặc bố trí công việc khác (nếu có) cho giáo viên ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Tiếp tục xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các trường học các cấp.
Trước thềm năm học mới 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến xây dựng trường điển hình về đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ theo yêu cầu của Đề án 2020, năm học 2014-2015 sẽ đầu tư cơ sở vật chất cho phòng học tiếng Anh của 3 trường xây dựng điển hình là Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Tam Điệp), Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư) và Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh). Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu Đề án.
Hồng Vân