Cùng dự chuyên đề dạy học Tiếng Anh gắn với trải nghiệm sáng tạo tại trường THPT Gia Viễn A nhận thấy, không khí lớp học không còn buồn tẻ, căng thẳng như những giờ học truyền thống mà tất cả các em đều vận động, sôi nổi tham gia trả lời, đối đáp các câu hỏi đặt ra và trả lời các phần chơi. Giờ học được khởi động bằng trò chơi mở hình do chính một em học sinh của lớp dẫn dắt các bạn cùng tham gia chơi. Sau phần khởi động đầy hào hứng, 4 nhóm học sinh của lớp đã có những bài thuyết trình, giới thiệu về các danh lam thắng cảnh của huyện Gia Viễn và của tỉnh. Dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, các nhóm đã trực tiếp đến địa điểm cần tìm hiểu, cùng nhau thảo luận và xây dựng thành công bài thuyết trình trong buổi tổng kết chuyên đề.
Cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên trường THPT Gia Viễn A cho rằng, những giờ học theo cách "chơi mà học", gắn học tập với trải nghiệm sáng tạo và tìm hiểu thực tế luôn đem lại cho cả cô và trò cảm giác tươi mới và sự thú vị. Học sinh không còn thụ động mà sẽ là trung tâm, chủ động tiếp cận và nắm bắt kiến thức. Đồng thời rèn luyện sự tự tin và các kỹ năng cần thiết, giúp các em học sinh trưởng thành lên rất nhiều.
ở các môn khoa học tự nhiên, tưởng như việc dạy học sáng tạo gắn với thực tiễn thường khó áp dụng. Nhưng khi dự một tiết học trải nghiệm môn Sinh học của các em học sinh lớp 9B, trường THCS Ninh Bình - Bạc Liêu (thành phố Ninh Bình) nhận thấy hình thức học này rất thú vị và cho thấy hiệu quả bất ngờ, đặc biệt là đem lại hứng thú cho học sinh. Khi học về bài tìm hiểu các sự vật qua thực tiễn đời sống ở bộ môn Sinh học, lúc này bài học không còn đơn điệu, khô cứng mà diễn ra trong không khí sôi động, "học mà chơi, chơi mà học", với những tiểu phẩm ngắn do chính các em thể hiện, các trò chơi trắc nghiệm, thi đua giữa các nhóm chơi.
Dưới sự định hướng của cô giáo, lớp được chia thành 3 nhóm và nhận các nhiệm vụ khác nhau để tìm hiểu sự việc, sự vật qua thực tiễn đời sống, trên internet, gặp gỡ các chuyên gia. Chính các em là những người trình bày những kiến thức, thông tin thu thập được. Cùng với đó, hoạt động chơi trắc nghiệm được cô giáo tổ chức xen kẽ giữa các nội dung trong tiết học đã tạo thêm không khí thi đua sôi nổi giữa các nhóm. Các em đều hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi để có thể nhận được phần quà cho mình.
Theo cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, trường THCS Ninh Bình - Bạc Liêu (thành phố Ninh Bình), dạy học theo phương pháp trải nghiệm, thực nghiệm ở môn Sinh học giúp các em học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Khi cọ xát với thực tiễn đời sống đã rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, giúp các em tự tin, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi phương pháp này cũng còn những hạn chế. Như trong điều kiện sĩ số lớp học đông, trên 40 em/ lớp, điều kiện về cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ, chương trình học gồm nhiều môn, còn nặng về kiến thức lý thuyết... là những rào cản cho việc áp dụng cách thức tổ chức lớp học, phương pháp học theo hình thức này.
Trong không gian văn hóa cổ kính của ngôi đình làng Bạch Cừ đã hàng trăm năm tuổi, các em học sinh trường tiểu học Ninh Khang (Hoa Lư) được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, như: Tham quan đền, đình làng Bạch Cừ - nơi thờ Đức thánh Triệu Quang Phục; xem các đoạn hình ảnh, clip giới thiệu về đình làng Việt Nam nói chung, một số ngôi đình cổ, nổi tiếng của miền Bắc và của tỉnh Ninh Bình; tham gia biểu diễn các bài vè, múa-hát chầu văn, các tích chèo cổ; tìm hiểu kiến thức về đình làng bằng hình thức trò chơi... Đặc biệt, qua buổi học tập thực tế ngay tại sân đình làng, giúp các em học sinh có những trải nghiệm mới, hiểu về nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng của người dân trong làng, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo tồn các di sản. Đây cũng chính là hình thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo các cán bộ quản lý giáo dục, hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động này là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả. Đây cũng được coi là phương pháp dạy học thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân.
Trước những hiệu quả từ phương pháp dạy học trải nghiệm sáng tạo mang lại, ngành Giáo dục Ninh Bình luôn khuyến khích các phòng giáo dục, các nhà trường thường xuyên triển khai các chuyên đề, tiết dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh