Cùng dự một tiết học về khoa học với bài "Cây con mọc lên từ hạt" của học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Nam Thành (thành phố Ninh Bình) được dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" nhận thấy, lớp học trở nên rất sôi nổi, hứng thú khi tất cả các em đều phải huy động sự hiểu biết, vốn sống của mình để dự đoán những biểu tượng ban đầu về kiến thức mới mà mình sắp tìm hiểu, tự tay làm thí nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi trên mẫu vật thật để đối chiếu so sánh những dự đoán ban đầu và rút ra kết luận. Theo trình tự của phương pháp, học sinh dần dần tự khám phá được nội dung bài học, nhờ đó, các em hiểu bài kỹ, khắc sâu nội dung được học và hứng thú hơn trong quá trình học.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường Tiểu học Nam Thành (thành phố Ninh Bình) thì, "Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu,… trong đó chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời. Với phương pháp này, học sinh đóng vai trò làm trung tâm. Trong lớp học sẽ chia thành nhiều nhóm nhỏ để thảo luận, chia sẻ và cùng trao đổi về thông tin. Khi giáo viên đưa ra tình huống, vấn đề, học sinh sẽ tự nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra ý kiến riêng của mình. Các nhóm sẽ diễn đạt bằng cách viết lời hoặc vẽ tranh. Sau khi tổng hợp ý kiến của các thành viên, các nhóm sẽ cùng thảo luận, chất vấn nhau về những nhận định, ý kiến của nhóm bạn. Tiếp đó, học sinh sẽ được quan sát thực tế hoặc thí nghiệm và tự rút ra kết luận đúng. Sau đó, đối chiếu lại với nhận định ban đầu để có sự điều chỉnh theo hướng đúng nhất. Phương pháp này được áp dụng ở tất cả các khối lớp, trong đó, môn Tự nhiên-Xã hội ở khối 1, 2 và 3; môn Khoa học ở khối 4,5 và mỗi tiết học thường kéo dài từ 35-40 phút.
Được triển khai từ năm học 2014-2015, đến nay, phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột", xuất phát từ Pháp, đã góp phần đáp ứng những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, nhất là việc phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học của học sinh. Theo các giáo viên bộ môn, dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" đòi hỏi mỗi giáo viên phải có sự chuẩn bị đầy đủ, công phu cho mỗi giờ học, từ dụng cụ thực hành thí nghiệm đến các tình huống có thể xảy ra. Bởi khi bắt tay vào làm thí nghiệm, khi thấy có bất cứ hiện tượng gì xảy ra, các em đều đặt ngay câu hỏi. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vững kiến thức để cùng học sinh giải đáp những thắc mắc, lý giải hiện tượng một cách khoa học, giúp các em hiểu bài và nắm được kiến thức đúng đắn nhất.
"Một điều rất khác là khi áp dụng phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột", giáo viên chỉ là người hỗ trợ, khác với phương pháp dạy truyền thống - giáo viên đặt câu hỏi, học sinh trả lời. Nhờ vậy, mỗi học sinh rèn luyện cho mình kỹ năng suy nghĩ độc lập, cách thức phối hợp hiệu quả khi làm việc nhóm và khả năng tự tin trình bày trước đám đông. Trong phần vẽ và diễn đạt bằng viết lời, học sinh rèn luyện thêm kỹ năng chuyển từ văn nói sang văn viết cũng như thể hiện bằng hình ảnh thông qua vẽ tranh..." - cô giáo Lê Thị Năm, giáo viên trường Tiểu học Ninh Tiến chia sẻ.
Được biết, phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình được 5 năm, bắt đầu từ năm học 2014-2015. Thời gian đầu mới áp dụng, các nhà trường thực hiện dạy ở một số bài có nội dung phù hợp. Hiện nay, các trường tăng dần số bài áp dụng phương pháp này trong chương trình học của học sinh. Phương pháp dạy học này nhận được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực của phụ huynh học sinh. Đa số các trường học thực hiện đều có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, đồng bộ và khá hiện đại với máy chiếu, ti vi. Từ đó, chất lượng dạy và học các môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" cao hơn hẳn so với dạy theo phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cán bộ quản lý các nhà trường, dạy học theo phương pháp này vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là các tài liệu hướng dẫn cho giáo viên tham khảo để giảng dạy còn thiếu; ở một số trường có đông học sinh trên địa bàn thành phố, nhiều phòng học chưa đủ không gian rộng cho các hoạt động dạy học theo phương pháp này. ở các trường vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị dạy học như các dụng cụ thí nghiệm, thiết bị thực hành còn thiếu và chưa đồng bộ do nguồn kinh phí còn có mức độ….
Để phương pháp này được triển khai mang lại hiệu quả hơn, ngành Giáo dục cũng đã triển khai các giải pháp cụ thể như: Khuyến khích các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố chỉ đạo áp dụng triệt để phương pháp này vào dạy và học. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho giáo viên giảng dạy bộ môn KHTN và Khoa học trong các đơn vị trường học. Chỉ đạo các trường xây dựng ngân hàng "Bàn tay nặn bột" gồm những gợi ý về tiến trình dạy học, tài liệu hướng dẫn giáo viên, tài liệu phục vụ dạy học, dụng cụ thực hành (phim, hình ảnh, tài liệu khoa học)... nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong các trường Tiểu học.
Bài, ảnh: Hạnh Chi