Đồng chí Trần Trường Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đó là sự cố gắng của nhà trường khi thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do ngành Giáo dục - Đào tạo phát động. Phong trào được nhà trường phát động tất cả các nội dung, tiêu chí tới các thầy, cô giáo và toàn thể học sinh toàn trường.
Mặc dù Gia Lạc là xã có điều kiện kinh tế còn nghèo, nhiều năm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nên sự đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục còn nhiều hạn chế, tuy nhiên nhà trường luôn tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, thoáng đãng, mát mẻ, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất để các em đến trường an toàn, thân thiện, vui vẻ, đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập, các hoạt động xã hội vànâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Niềm vui đến với thầy, trò nhà trường đó là tháng 12-2010, nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Trong năm học 2010-2011, nhà trường tiếp tục được Sở Giáo dục - Đào tạo kiểm tra công nhận trường đạt xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm học tiếp theo.
Kinh nghiệm ở Trường Tiểu học Gia Lạc khi triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là nhà trường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Hội cha mẹ học sinh... tổ chức vận động, từng bước triển khai sâu rộng 5 nội dung của phong trào một cách cụ thể tới toàn thể giáo viên, học sinh toàn trường để mọi người nhận thấy tính "ưu việt" của phong trào. Chú trọng tới triển khai dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng dạy theo hướng trao đổi, gần gũi, đưa những hình ảnh cụ thể, ví dụ sinh động liên quan tới môn học để học sinh dễ hiểu bài giảng của giáo viên, cùng với sự cởi mở, thân thiện giữa giáo viên và học sinh đã tạo sự gần gũi giữa cô và trò, khơi gợi được tinh thần tự học, tự rèn luyện cho học sinh, đó là cách để giáo viên kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh, đồng thời cũng là cơ hội để các em tham gia cải tiến giờ học có chất lượng cao hơn.
Nhà trường xác định yếu tố để đẩy mạnh chất lượng giáo dục có hiệu quả thì vai trò của đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Ngoài việc tự học, tự rèn luyện, trau dồi kiến thức của đội ngũ giáo viên để đáp ứng sự phát triển của giáo dục, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy, nhờ vậy chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng cao. Hàng năm, 100% học sinh thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học sinh tiểu học; tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi toàn diện đạt trên 17%, trên 36% học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, trên 98% học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học, nhiều học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Không chỉ giáo dục văn hóa, nhà trường rất chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đối với học sinh cấp I, sự hình thành tố chất, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong cuộc sống có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của các em một cách toàn diện.
Em Nguyễn Thị Thu Hương, học sinh lớp 5B cho biết: Mỗi ngày đến trường ngoài việc được học tập, em còn được tham gia các trò chơi dân gian, được chăm sóc khu di tích lịch sử chùa Hưng Khánh cùng các bạn trong lớp. Những việc làm đó em cảm thấy rất vui và hứng thú, tạo sự đoàn kết với bạn bè trong thực hiện nhiệm vụ chung và các hoạt động tập thể, em thấy yêu quý trường học của mình hơn.
Hồng Vân