Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về công tác đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề phải bảo đảm trang bị đầy đủ các thiết bị dạy nghề thiết yếu. Thế nhưng, trên thực tế các cơ sở đào tạo nghề rất khó có thể trang bị đầy đủ các thiết bị dạy nghề đúng với yêu cầu đặt ra bởi chi phí quá lớn.
Thậm chí, nếu có tiền cũng chưa hẳn đã mua được những thiết bị phù hợp với chương trình dạy nghề của mỗi đơn vị. Bởi thế, việc thực hiện phong trào tự làm các thiết bị dạy nghề là một sáng kiến quan trọng, vừa giảm chi phí lại vừa sát với chương trình đào tạo… Đây là cách làm sáng tạo đang được áp dụng tại Trường Cao đẳng Lilama I
Ông Nguyễn Đăng Sỹ, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama I cho biết: đặc thù của nhà trường là xây lắp nên học sinh phải làm quen với các mô hình là chủ yếu. Trước đây, khi chưa tự làm những mô hình, thiết bị thì việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh đi thực tế. Thậm chí, nếu có đi thực tế thì học sinh cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành do yêu cầu nghiêm ngặt ở đơn vị thực tập. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề để học sinh thực hành rất khó bởi kinh phí cao, mà ngay cả khi có kinh phí thì cũng không tìm đâu ra các thiết bị nhà trường cần trên thị trường…
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình tự làm như: Mô hình lọc bụi tĩnh điện, mô hình xử lý nước thải… trong đó, tiêu biểu có mô hình "Nhà máy nhiệt điện" đã giành giải ba Hội thi tự làm thiết bị dạy nghề toàn quốc, ông Nguyễn Đăng Sỹ cho biết, đây là một mô hình thu nhỏ của một "Nhà máy nhiệt điện". Để hoàn thiện được mô hình này, thầy và trò nhà trường đã phải mất nửa năm. Tham gia xây dựng mô hình gồm giáo viên và học sinh của nhiều khoa như: Hàn, điện, cơ khí chế tạo, cơ giới lắp máy…
Những buổi tham gia làm mô hình chính là những tiết thực hành vô cùng quan trọng sau những giờ học lý thuyết. Sau khi hoàn tất, mô hình này còn phục vụ đắc lực cho việc thực hành của các khóa học. Học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu được những kiến thức cơ bản trong giờ học lý thuyết như quy trình vận hành, trung tâm điều khiển… của một "Nhà máy nhiệt điện".
Trong quá trình thực hành, có những bộ phận của mô hình bị hỏng hóc, thì đây chính là cơ hội để các em học sinh phát hiện nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục. Nhờ được tiếp cận với mô hình thực tế này mà những năm gần đây, chất lượng học sinh sau khi ra trường được đánh giá cao. Các em tự tin và đáp ứng được yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường lao động.
Theo ông Hoàng Công Thi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama I: Không phải thiết bị nào từ nhà sản xuất cũng hoàn hảo và phù hợp với nhu cầu của giáo viên trực tiếp giảng dạy và học sinh thực tập. Trên thực tế, các thiết bị dạy học nghề vẫn còn một khoảng cách nhất định so với thực tế sản xuất. Bởi vậy, những người đang trực tiếp giảng dạy chính là nhân tố cốt lõi trong việc cải tiến, sáng tạo ra những thiết bị phù hợp nhất với thực tế đào tạo.
Tuy vậy, những vướng mắc trong cơ chế, khó khăn về tài chính là một trong những rào cản khiến cho hoạt động này vẫn chưa phát triển như mong muốn. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả là dù rất quan trọng, song phong trào tự làm thiết bị vẫn chưa nhận được sự quan tâm, khuyến khích đúng mức của các ngành chức năng nên chưa tạo ra được một phong trào mang tính thường xuyên, tự giác trong đội ngũ cán bộ, giáo viên để khuyến khích, khơi dậy sự tìm tòi và đầu tư thời gian, công sức cho các công trình, sản phẩm của mình.
Lực lượng được xem là mắt xích quan trọng để tạo ra sự đột phá trong phong trào tự làm thiết bị học nghề này vẫn đang chờ đợi một chất "xúc tác", một "lực đẩy" quan trọng để khơi dậy lòng đam mê và cống hiến. Họ cần có một sân chơi như Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm- một hoạt động đã và đang được nhiều địa phương trong cả nước tích cực thực hiện, để có điều kiện cọ xát, trao đổi kinh nghiệm, bồi tụ thêm lòng yêu nghề.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng