Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình hiện có gần 13 nghìn nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CNV) trong tổng số trên 15 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ trên 84%. Trình độ chuyên môn đạt chuẩn 99,6%, trong đó trên chuẩn là 60%; có 123/185 chị em có trình độ thạc sĩ, chiếm 66,5%. Có 79,6% chị em trong Ban giám hiệu, 90% là hiệu trưởng, 85% trong BCH Công đoàn, 62% là Chủ tịch công đoàn; 93% chị em là Bí thư chi bộ, số đảng viên nữ là 6.791/8.519, chiếm tỷ lệ 79,7%... Những con số đó khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Công tác nữ và phong trào "GVT-ĐVN" được Ban chấp hành Công đoàn giáo dục (CĐGD) tỉnh xác định là một trong những công tác trọng tâm của CĐGD các cấp. CĐGD tỉnh phối hợp Sở GD& ĐT quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước"; Bộ Luật lao động Ban nữ công Công đoàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành. Ban nữ công đã vận động chị em bố trí việc nhà, dạy thay nhau để có thời gian đi học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học về chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ, chuẩn hóa đội ngũ. Hiện có 1.853 chị đang theo học đại học, 45 chị học cao học, 1 chị đang nghiên cứu sinh, nhiều chị tham gia học ngoại ngữ, tin học… Đến nay, nữ tham gia quản lý các trường mầm non đạt 100%, tiểu học đạt 73,14 %, THCS đạt 49,3%, THPT đạt 47,8%, nữ cán bộ quản lý và chuyên viên phòng, sở đạt 38,2%. Ban nữ công cũng cung cấp tài liệu hoạt động nữ công để cán bộ nữ công nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động; bồi dưỡng kiến thức về giới, kiến thức nuôi dạy con theo khoa học. Nhiều trường tổ chức hội thảo, sinh hoạt CLB với các chủ đề về vai trò, vị trí, trách nhiệm của chị em phụ nữ nhân ngày Quốc tế 8-3, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…; đồng thời phối hợp với chuyên môn tổ chức các hội thi nữ công gia chánh, giáo viên giỏi các cấp, thi đồ dùng dạy học, tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Hàng năm, Ban nữ công Công đoàn ngành phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành tổ chức tổng kết công tác nữ, tuyên dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào GVT-ĐVN. Mỗi năm có từ 95% - 96% chị em đạt danh hiệu "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà" các cấp, 86 tập thể, 273 các nhân được khen thưởng. Năm học 2009-2010, tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào "GVT - ĐVN" giai đoạn 2005- 2009 có 12.105 nữ CB, GV, NV đạt danh hiệu "GVT-ĐVN" các cấp, 12 tập thể và 42 cá nhân tiêu biểu được Giám đốc Sở tặng Giấy khen, 2 tập thể và 4 cá nhân được Bộ GD&ĐT, Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐGD Việt Nam, LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen, trong đó tập thể nữ trường THPT Nguyễn Huệ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng danh hiệu thi đua "GVT-ĐVN" giai đoạn 2006-2010. Nhiều chị có học sinh giỏi Quốc gia như các cô giáo: Đinh Thị Vui, Trần Thị Ngoan, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Loan, Đinh Thị Thanh Dung… (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy). Trong số gần 12 nghìn sáng kiến kinh nghiệm, có 2.300 sáng kiến xếp loại giỏi, 3.500 sáng kiến xếp loại loại khá.
Ban chấp hành công đoàn các đơn vị đã chỉ đạo Ban nữ công xây dựng chương trình và tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ truyền thống của ngành, của phụ nữ, các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính đặc trưng của giới. Đồng thời triển khai Kế hoạch số 09/KH-SGDĐT ngày 15-2-2012 của Sở GD&ĐT về việc thực hiện Đề án 343/CP "Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015" và Kế hoạch 10/KH-SGDĐT ngày 16-2-2012 của Sở GD&ĐT về việc thực hiện Đề án 704/CP "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010-2015"; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch", "3 có, 4 không" trong văn hóa giao thông, góp phần nâng cao kỷ cương, nền nếp và tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành…
Bà Phạm Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Ninh Bình cho rằng: Phong trào "GVT-ĐVN" đã tạo động lực cho nữ nhà giáo và lao động trong ngành tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần to lớn vào sự phát triển của giáo dục-đào tạo, kinh tế-xã hội trong tỉnh. Thông qua phong trào "GVT-ĐVN", các nữ nhà giáo, lao động trong ngành đã được rèn luyện, bồi dưỡng và trưởng thành về nhiều mặt. Nhiều nữ nhà giáo từ phong trào đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của mình đối với gia đình và học sinh. Họ không chỉ làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm cô, mà còn tổ chức cuộc sống gia đình theo tiêu chí: ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc.
Để thực hiện tốt các mục tiêu và phong trào thi đua "GVT-ĐVN" trong giai đoạn tới, các tổ chức công đoàn trong các nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của phong trào; gắn kết phong trào với các cuộc vận động lớn của ngành, đặc biệt là cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo" và phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt". Tăng cường vai trò, vị trí của công tác nữ trong các trường học, các cơ sở giáo dục, đồng thời thường xuyên tổ chức, sơ kết, tổng kết phong trào để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo phong trào ngày càng hiệu quả hơn.
Mỹ Hạnh