Giai đoạn 2017-2019, phong trào thi đua "Dân vận khéo" mà trọng tâm là xây dựng, nhân diện các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong phát triển nông nghiệp đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, thu được nhiều kết quả. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 271 mô hình, điển hình, bước đầu phát huy được hiệu quả, có sức lan tỏa, nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh.
Đã có nhiều mô hình có cách làm "Dân vận khéo" bài bản, sáng tạo, hiệu quả, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia trong phát triển kinh tế như: Xây dựng mô hình trình diễn với cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhân dân làm theo; tổ chức hội nghị đầu bờ về kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ giống, vốn kết hợp hướng dẫn, chuyển giao KHKT theo phương châm "cầm tay chỉ việc"; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, trực tiếp làm cầu nối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tín chấp vay vốn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nhân dân thông qua các tổ tiết kiệm cho hội viên, đoàn viên nghèo vay để phát triển kinh tế…
Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả đã được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình vận động cán bộ, hội viên nông dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối và nuôi cá của Hội Nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô), đã vận động 32 hộ dân chuyển đổi 12,3 ha cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/sào/năm, giúp cho nông dân thu nhập cao, thoát nghèo bền vững, được nhân rộng tại một số xã trên địa bàn huyện. Mô hình chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT); toàn tỉnh đã chuyển đổi 4.170ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao; tiêu biểu ở xã Đồng Phong, Văn Phong (Nho Quan), xã Gia Xuân (Gia Viễn). Mô hình vận động nhân dân tích tụ ruộng đất vùng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của Khối dân vận xã Quang Thiện (Kim Sơn) tổng diện tích chuyển đổi 20,4ha với 30 hộ tham gia, cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/hộ/năm, tạo việc làm ổn định cho 80 lao động trên địa bàn xã. Mô hình gia trại tổng hợp nuôi hươu, bò, dê của ông Đinh Văn Tre, Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Ao, xã Kỳ Phú (Nho Quan) đầu tư nuôi hươu, dê, bò, 20ha mía đỏ, thu nhập 300 triệu đồng/năm; đã hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm, kiến thức giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã học tập nhân rộng mô hình…
Đặc biệt, đã gắn việc xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển nông nghiệp với phong trào xây dựng nông thôn mới, thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Cấp ủy các huyện đã chỉ đạo các xã tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như mô hình vận động nhân dân sản xuất lúa hữu cơ của Khối dân vận xã Khánh Trung (Yên Khánh), đã tuyên truyền, vận động 283 hộ gia đình tham gia sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 97 ha, trong đó có 20ha được sản xuất bằng phương pháp gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, giá trị canh tác đạt 600 triệu đồng/ha. Mô hình áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cánh đồng mẫu lớn xã Yên Từ (Yên Mô) với tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn của xã là 21ha, cho giá trị kinh tế cao, thu nhập 200 - 250 triệu đồng/ha/năm... Vận động nhân dân chỉnh trang đồng ruộng, nhà ở, đóng góp công sức, kinh phí, vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp 91 xã và huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 11 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong những năm tiếp theo, để đạt hiệu quả cao hơn, cần đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong phát triển nông nghiệp gắn với việc thực hiện Kết luận 43 ngày 7/1/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 20 ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020... Các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị rà soát đưa ra các mô hình kém hiệu quả; lựa chọn đăng ký xây dựng mới các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong phát triển nông nghiệp. Phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học với hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua và kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả đối với những mô hình đã đăng ký thực hiện; rút kinh nghiệm, phổ biến, giới thiệu và nhân rộng những mô hình phát triển nông nghiệp hoặc những cách làm "Dân vận khéo" hiệu quả ở cơ sở...
Vân Giang