Các cấp Hội đã chủ động đăng ký, xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ của Hội. Hội LHPN tỉnh đăng ký với Ban chỉ đạo "Dân vận khéo" tỉnh xây dựng 2 mô hình giai đoạn 2013-2015 là mô hình "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế 3 trong 1" tại thôn Phú Hào, xã Khánh Phú (Yên Khánh) và mô hình vệ sinh môi trường "7 ngày xanh - sạch - đẹp" tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư). Năm 2014, đầu tư xây dựng mô hình "Xử lý rác thải tại hộ gia đình" tại xóm 8, xã Thượng Kiệm (Kim Sơn). Tại các địa bàn xây dựng mô hình, Hội LHPN tỉnh đã thống nhất chủ trương với lãnh đạo địa phương, chỉ đạo Hội phụ nữ xã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo địa phương làm trưởng ban; tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa mô hình và phát động các gia đình hội viên hưởng ứng. Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ một phần các điều kiện để thực hiện (con giống, vật tư), trị giá gần 200 triệu đồng. Hội phụ nữ cấp huyện cũng xây dựng được 25 mô hình; trong đó có 13 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 11 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội và 1 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.
Kết quả, từ mô hình "Xử lý rác thải tại hộ gia đình" tại xã Thượng Kiệm (Kim Sơn), Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo nhân diện ra 2 thôn của xã Phú Lộc và Đồng Phong của huyện Nho Quan. Trong thời gian ngắn đã vận động 100% số hộ gia đình tại 3 thôn xây dựng và sử dụng có hiệu quả hố rác tự phân hủy tại gia đình, tạo thói quen của người dân trong việc thu gom, xử lý rác tại gia đình, giảm tải việc vận chuyển rác về nơi tập trung. Mô hình này đã được nhân lên ở một số chi hội của huyện Kim Sơn và Nho Quan.
Mô hình "7 ngày xanh-sạch-đẹp" tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư) ngày càng đi vào nề nếp, làm thay đổi nhận thức của hội viên và nhân dân về công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, từng hộ gia đình đã có thùng, sọt đựng rác thải riêng, các hộ gia đình dọc tuyến đường Phụ nữ tự quản đều thực hiện công tác vệ sinh môi trường hàng ngày, nhiều hộ gia đình tự nguyện trồng cây xanh dọc tuyến đường khu du lịch, bỏ rác đúng thời gian quy định. 100% chi hội đều huy động hội viên tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào chiều thứ 7 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Các mô hình đoạn sông, đoạn suối, đoạn đường, tuyến phố tự quản, trồng cây xanh ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình; mô hình "Ngày thứ bảy sạch" tại huyện Hoa Lư, Nho Quan... đã góp phần xây dựng nếp sinh hoạt tại cộng đồng sạch hơn, đẹp hơn.
Mô hình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại 51 xã thực hiện dự án CHOBA đạt hiệu quả cao. Đến nay, đã vận động gần 20 nghìn hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó trên 12 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được nhận gói thưởng với số tiền gần 10 tỷ đồng; hỗ trợ 80 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, số tiền 256 triệu đồng. Sau 2 năm thực hiện, có 7 xã được nhận gói thưởng CCT1 và 1 xã được nhận gói thưởng CCT2 với số tiền thưởng gần 500 triệu đồng.
Mô hình tổ liên kết sản xuất nấm tại xã Khánh Công (Yên Khánh), năm 2013, đã vận động được 30 thành viên tham gia. Hội LHPN tỉnh tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phương pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong 2 năm đã sản xuất và tiêu thụ gần 100 tấn nấm tươi, doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, lãi 900 triệu đồng, giúp 5 hộ thoát nghèo. Mô hình này được Trung ương Hội đánh giá đạt hiệu quả cao và tiếp tục hỗ trợ để phát triển thành HTX sản xuất nấm an toàn. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tư vấn thành lập Hợp tác xã với 63 thành viên...
Có thể nói, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, thường xuyên, sâu rộng, gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương mang lại hiệu quả tích cực. Các cấp Hội đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, huy động sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của hội viên phụ nữ và nhân dân. Tập trung chỉ đạo, chọn địa bàn, lĩnh vực xây dựng mô hình, duy trì, nhân diện những mô hình hiệu quả... Qua đó, đã phát huy nội lực của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao.
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", Hội LHPN tỉnh đã phát động đợt thi đua đặc biệt đến hết năm 2015 nhằm phát huy sức mạnh của các tầng lớp phụ nữ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2015, kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên phong trào thi đua; tổ chức tổng kết, biểu dương, khen thưởng các điển hình "Dân vận khéo"; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, của dân tộc, trọng tâm là chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, 85 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 85 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam…Tiếp tục xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng nông thôn mới; đối thoại với nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và du lịch; trong giải phóng mặt bằng; việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và vận động phụ nữ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tích cực tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, kết quả xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Đồng thời chú trọng nghiên cứu, chỉ đạo điểm mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân diện.
Cùng với việc xây dựng các mô hình mới, nhân diện các mô hình "Dân vận khéo" đã có, các cấp Hội quan tâm rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình để có biện pháp điều chỉnh phù hợp; chú trọng khảo sát, phát hiện các điển hình, nhân tố mới để bồi dưỡng, nhân rộng, nhằm phát triển phong trào thi đua cả về bề rộng và chiều sâu...
Mỹ Hạnh