Đồng chí Đinh Văn Dụng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc cho biết: Địa bàn xã nằm dọc 2 bên trục đường 12B, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mấy năm gần đây các hoạt động buôn bán, dịch vụ khá phát triển kéo theo lượng rác thải ngày một tăng. Với hơn 2.000 hộ dân và 6.700 nhân khẩu, sống trên địa bàn 15 thôn, trung bình một ngày người dân trong xã thải ra gần 1 tấn rác các loại.
Những năm trước đây do địa phương chưa tổ chức được việc thu gom rác thải, chưa có nơi tập kết rác, cộng với ý thức của người dân về môi trường hạn chế nên rác thải vứt bừa bãi trong khu dân cư, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây mất mỹ quan thôn, xóm.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ năm 2005 xã đã xây dựng quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện thí điểm thu gom rác thải tại 3 thôn: Phúc Lộc, Chợ Rịa và Đồi Chè. Đây là 3 thôn tập trung dân cư đông đúc và có nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Ban đầu tổ thu gom rác thải chỉ có 4 người với phương tiện là xe thô sơ (xe cải tiến) thu gom, chuyên chở rác. Tổ thu gom có trách nhiệm 3 ngày 1 lần thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, sản xuất trong thôn tập kết đến bãi rác tập trung sau đó hợp đồng với xe chuyên dụng chở đi xử lý ở bãi rác của huyện. Để duy trì hoạt động của tổ thu gom rác, mỗi người dân đều tự nguyện đóng góp 10 nghìn đồng/hộ/tháng và 20 nghìn đồng/hộ/tháng đối với những hộ sản xuất, kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Dự, một trong những thành viên đầu tiên của tổ thu gom rác nhớ lại: Những ngày đầu, tổ thu gom rác gặp rất nhiều khó khăn bởi cái gì cũng thiếu từ xe chở rác đến các dụng cụ bảo hộ. Tuy nhiên, anh, chị em trong tổ không nản mà vẫn động viên nhau bởi đây không chỉ là công việc cho thu nhập đơn thuần mà trên hết là việc bảo vệ môi trường sống cho người dân trong thôn, cho chính gia đình mình. Nhờ đó mà hoạt động của tổ thu gom rác thải được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều người còn tình nguyện tham gia thu gom rác tại các hộ trong khu vực xóm mình đem đến đầu hẻm cho xe đẩy thu gom thuận lợi hơn.
Gần 10 năm qua, những con đường trên địa bàn 3 thôn Chợ Rịa, Phúc Lộc, Đồi Chè dường như được "lột xác", phong quang, sạch đẹp hẳn lên. Bà Phạm Văn Múi, một người dân ở thôn Chợ Rịa phấn khởi nói: "Từ ngày có tổ tự quản thu gom rác thải, người dân chúng tôi mừng lắm. Nếu cứ duy trì được đều đặn như thế này chúng tôi rất phấn khởi" .
Năm 2012 Phú Lộc được Hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm để triển khai mô hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Mới đây, xã được hỗ trợ 15 phương tiện thu gom rác thải chuyên dụng bao gồm xe xích lô và xe cải tiến, mỗi thôn được 1 xe để triển khai thu gom rác thải ở tất cả 15/15 thôn trong xã. Tiếp theo là các hoạt động tập huấn, hỗ trợ nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ và sinh hoạt hàng ngày, hướng dẫn nông dân cách thu gom, phân loại rác thải.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi, nhận định: Dự án xây dựng mô hình điểm thu gom rác thải nông thôn sẽ là chất xúc tác đối với công tác vệ sinh môi trường ở Phú Lộc và là tiền đề xây dựng nông thôn mới. Thay vì chỉ thu gom rác thải của 3 thôn như trước, giờ đây 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được thu gom.
Để công tác vệ sinh môi trường mang tính bền vững hơn, xã cần nhận được sự quan tâm bổ sung thêm xe chuyên dùng để đưa rác thải đến nơi xử lý tập trung, đồng thời có chính sách thỏa đáng đối với công nhân làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải. Hiện tại với mức thù lao 400.000 đến 500.000 đồng/người/tháng không khuyến khích được người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc này.
Hà Phương