Dự án VNEN do Quỹ Hợp tác giáo dục toàn cầu (GPE) tài trợ và Ngân hàng thế giới (WB) điều hành. Mục tiêu của Dự án VNEN là: "Tạo điều kiện cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng bằng cách thông qua đổi mới sư phạm, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy - học; rút ra những bài học thực tiễn có giá trị về đổi mới sư phạm trên toàn quốc (ở cấp Trung ương và địa phương) để đạt được giáo dục có chất lượng và bền vững".
Từ kinh nghiệm rút ra sau một năm thí điểm tại Trường Tiểu học Phú Long (Nho Quan), năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai nhân rộng Mô hình trường tiểu học mới tại 10 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Thông qua mô hình học mới này, học sinh đã mạnh bạo, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập, tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới. Đây được coi là phương pháp học tập mới hiệu quả, tích cực, làm thay đổi tư duy trong dạy và học ở các nhà trường hiện nay, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tham dự giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), chúng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt so với các lớp học truyền thống. ứng dụng theo mô hình trường tiểu học mới cho thấy, từ nội dung, phương pháp đến hình thức tổ chức lớp học đều thay đổi so với lớp học truyền thống. Học sinh không còn thụ động khi tiếp thu bài giảng soạn sẵn của giáo viên, mà giữ vai trò trung tâm trong lớp học. Bằng việc phân chia 30 học sinh trong lớp thành nhóm, mỗi nhóm 4 em, các học sinh trong nhóm sẽ cùng nhau học tập, tự đánh giá mình, đánh giá bạn, còn giáo viên là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng. Phương pháp học mới này giúp học sinh được trao đổi nhiều hơn, qua đó vốn tiếng Việt của các em tăng lên rõ rệt, từ đó hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Bình, giáo viên dạy lớp 3B cho biết: "Khi đi dự tập huấn, được hướng dẫn cách tổ chức lớp như thế này, bản thân tôi rất lo lắng. Lo là các em học sinh lớp 3 chưa đủ lớn, liệu khi thành lập Hội đồng quản trị, các Ban học tập, Ban sức khỏe và vệ sinh, Ban quyền lợi, Ban đối ngoại..., các em có tự quản và thực hiện được không, các em có làm được như lý thuyết mà mình tiếp thu không? Chỉ mất gần một tháng đầu, giáo viên chủ nhiệm phải vất vả hướng dẫn các em cách điều hành lớp, điều hành các hoạt động tập thể, cách tổ chức hoạt động, nhưng sang tháng thứ hai, các em đã biết cách làm việc và hoạt động rất tốt, lớp dần đi vào nền nếp theo Mô hình học mới…".
Học tập theo mô hình mới cách "cô giảng - trò nghe, cô đọc - trò chép" thường gặp ở một lớp học truyền thống không còn xuất hiện, thay vào đó, cô giáo đi đến từng nhóm hướng dẫn học sinh đọc tài liệu; rồi cô nêu câu hỏi, gợi ý để các em trong từng nhóm thảo luận, trao đổi, tự tìm hiểu nội dung mà chính cô cần phải truyền thụ cho các em. Cô giáo Nguyễn Thị Bình cho biết thêm: "Thực chất của Mô hình trường tiểu học mới là đổi mới phương pháp dạy học - thay phương pháp dạy học truyền thống bằng phương pháp dạy học mới và tăng cường các hoạt động giáo dục. Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn lại thành tài liệu giảng dạy, khi sử dụng tài liệu này, mặc nhiên giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm. Xuyên suốt cả một tiết học là giáo viên hướng dẫn học sinh hoạt động theo từng nhóm. Chính việc hoạt động nhóm đã phát huy được tính tích cực của học sinh, học sinh tự hỗ trợ cho nhau và các em hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng nội dung bài học, từ đó các em hiểu nội dung bài học cơ bản hơn, sâu sắc hơn. Và cũng từ hoạt động nhóm, nhiều kỹ năng của học sinh được hình thành (như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp, kỹ năng tự học…)".
Ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho biết: Mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (còn gọi là VNEN) là dự án hợp tác đổi mới phương pháp dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hợp tác giáo dục toàn cầu triển khai thực hiện thí điểm giai đoạn 2012- 2015 cho cấp tiểu học. Mô hình giáo dục này được UNICEP, UNESCO, WB đánh giá cao, đã thực hiện thành công ở nhiều nước đang phát triển. Về bản chất, sự đổi mới sư phạm trong Mô hình trường học mới được thể hiện ở các từ "Tự giác", "Tự chủ", "Tự học", "Tự đánh giá".
Dấu hiệu khác biệt của mô hình trường học mới so với trường học truyền thống là có Hội đồng tự quản học sinh. Hội đồng này được thành lập và do học sinh quản lý, điều hành để đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ và tích cực vào đời sống học đường. Cách trang trí, bố trí phòng học cũng được thay đổi, thay vì xếp theo hàng ngang, bàn ghế trong phòng học mới được sắp xếp theo nhóm học sinh (4 hoặc 6 nhóm). Trong các trường tiểu học hiện nay, việc đánh giá học sinh chủ yếu tập trung đánh giá về kiến thức, kỹ năng, còn Mô hình trường tiểu học mới chú trọng đánh giá năng lực của học sinh: Về khả năng tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; đánh giá sự hình thành và phát triển các phẩm chất của học sinh (yêu cha mẹ và gia đình, yêu trường lớp, thầy cô, yêu quê hương, đất nước...); đánh giá sự tiến bộ của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà không so sánh với các học sinh khác...
Năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo nhân rộng Mô hình trường tiểu học mới ra 10 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Trường tiểu học Phú Lộc (Nho Quan); Trường Tiểu học thị trấn Me và Gia Tân (Gia Viễn); Trường Tiểu học thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư); Trường Tiểu học Quang Sơn (thị xã Tam Điệp); Trường Tiểu học Yên Thịnh và Yên Phú (Yên Mô); Trường Tiểu học Khánh An, Khánh Nhạc B (Yên Khánh) và Trường Tiểu học Lưu Phương (Kim Sơn).
Trước đó, 100% cán bộ quản lý giáo dục Tiểu học của tỉnh đã được tập huấn về Mô hình trường học mới và yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã từng bước đưa các thành tố "mới" của Mô hình vào các trường tiểu học. Qua nửa học kỳ I triển khai mô hình cho thấy, giáo viên và học sinh ở các trường được thực hiện Mô hình đã thích nghi với phương pháp học tập này và bước đầu cho thấy hiệu quả. Cả giáo viên và học sinh đều đã cơ bản thay đổi thói quen dạy và học, khả năng tự học của học sinh được phát huy tối đa thông qua việc các em tự tìm hiểu kiến thức trong sách và qua bài học, tài liệu...
Đánh giá bước đầu về Mô hình trường tiểu học mới VNEN cho thấy, có một số "cái được" rõ rệt như: Làm cho mọi người, nhất là cán bộ, giáo viên thay đổi sâu sắc quan niệm về nhà trường, nhà trường không còn là nơi chỉ dạy chữ mà là nơi giáo dục toàn diện cho học sinh. Quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh gắn bó với nhau hơn do trong quá triển khai thực hiện thí điểm, sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh được tiến hành bài bản hơn, chặt chẽ hơn. Việc tổ chức hoạt động giáo dục được thực hiện trong môi trường dân chủ, thân thiện (học sinh được trình bày, nói rõ ý kiến, suy nghĩ của mình), làm thay đổi ý thức tự quản, ý thức hợp tác hoạt động của các em học sinh. Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, nhất là học sinh vùng miền núi, dân tộc, đặc biệt về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đồng thời qua tổ chức dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục khác, học sinh không những tiến bộ nhanh trong việc tiếp thu nội dung của chương trình mà các năng lực khác (như năng lực tự quản, năng lực hợp tác, ...) cũng sớm được hình thành…
Tin rằng, với những kết quả bước đầu đạt được thiết thực, cụ thể, Mô hình trường tiểu học mới trong những năm tới sẽ được triển khai đại trà trong toàn tỉnh để nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh ta.
Hạnh Chi