Để xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Đông Sơn đã xác định các cây trồng chủ lực và vùng trồng trọng điểm. Theo đó, cây đào phai là cây trồng được xã đưa vào mô hình "Dân vận khéo". Nắm bắt được nhu cầu thị trường, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân từng bước chuyển đổi từ việc trồng đào cành, đào cây sang phát triển đào thế. Đồng thời từng bước thực hiện trồng xen canh nhằm tận dụng tối đa về diện tích cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân.
Anh Ninh Văn Tám là người có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng đào ở xã Đông Sơn. Anh cũng là một trong những hộ tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Anh Tám cho biết: Đào phai là loại cây dễ trồng, chịu hạn, phù hợp với các chân đất nghèo dinh dưỡng, độ phân tán và che phủ không lớn và chỉ cho thu nhập vào dịp cuối năm. Vì vậy, anh luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tốt tiềm năng từ đất. Qua tìm hiểu sách, báo, tham khảo từ bạn bè và sự tư vấn của Hội Nông dân xã Đông Sơn, anh quyết định trồng thêm các loại cây ăn quả xen canh, tận dụng diện tích đất vườn nhà kết hợp với chăn nuôi, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Hiện nay, trên 1 ha đất trồng đào phai của gia đình, anh Tám đã kết hợp trồng thêm các cây trồng ngắn ngày như: dưa hấu, dưa lê và một số loại cây ăn quả (bưởi Diễn, vải) và nuôi lợn nhằm tạo nguồn thu nhập quanh năm. Sau một thời gian thực hiện mô hình cho thấy đây là những loại cây trồng phù hợp với vùng đất Đông Sơn. Ngoài ra, để bắt nhịp với thị hiếu của người chơi đào, ngoài việc trồng, phát triển các cây đào tự nhiên, anh Tám còn được Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố chuyển giao kỹ thuật trồng đào thế. Hiện anh đã trồng trên 1.000 cây đào phai, đào cành, đào thế, hứa hẹn cho thu nhập khả quan.
Cũng như gia đình anh Ninh Văn Tám, hiện nay nhiều hộ trồng đào ở Đông Sơn đã thực hiện trồng xen canh các loại cây trồng và trồng đa dạng các loại thế cây đào nhằm phục vụ tốt thị hiếu người tiêu dùng. Toàn xã đã có trên 100 ha diện tích trồng đào xen canh với các cây trồng ngắn ngày cho thu nhập cao.
Không chỉ cây đào phai, Đông Sơn còn lựa chọn xây dựng các mô hình dân vận khéo dựa trên lợi thế của địa phương để phát triển, nhân rộng như: nuôi các loại con nuôi đặc sản, trồng hoa công nghệ cao, trồng bưởi Diễn, trồng rừng kết hợp chăn nuôi... Các mô hình này được quan tâm hỗ trợ về KHKT, nguồn vốn, tư vấn về thị trường, hỗ trợ liên kết, phát triển theo chuỗi sản phẩm. Đến nay, Đông Sơn đã xây dựng được 9 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế cho thu nhập cao.
Để xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế, Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" xã Đông Sơn đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công phong trào thi đua "Dân vận khéo". Đồng thời nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội về vị trí vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua "Dân vận khéo". Các Hội, đoàn thể được phân công phụ trách các mô hình thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ, tư vấn và đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn với cấp ủy, chính quyền, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Nhiều nông dân đã chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin qua các mô hình để vận dụng phát triển kinh tế gia đình.
Thành công của các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế ở Đông Sơn đã mang lại hiệu quả rõ nét, thúc đẩy người dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương; thực hiện tốt lời Bác dạy "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Bài, ảnh: Mai Lan