Thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng trường THPT Nho Quan C cho biết: ý tưởng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo xuất phát từ việc nắm bắt và hiểu rõ mục tiêu đổi mới giáo dục mang tính hệ thống, bền vững; đồng thời xuất phát từ việc áp dụng thành công các chuyên đề ngoại khóa từ những năm học trước; trong đó đặc biệt là giải pháp đổi mới giờ chào cờ thông qua chuyên đề cấp tỉnh "Lồng ghép học tập tiếng Anh trong giờ chào cờ", thông qua Hội thi Hùng biện tiếng Anh năm học 2015-2016 được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2016, từ đó BGH nhà trường, các tổ nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, học sinh và phụ huynh học sinh thống nhất quan điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh ở năm học 2016-2017. Được biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện theo các bước bài bản, cụ thể, bao gồm 6 bước: Lên ý tưởng, lập kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Lựa chọn chủ đề; Tìm hiểu thực trạng; Tìm kiếm thông tin liên quan; Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm. Cụ thể như đối với một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của lớp 11D tại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), các em được tìm hiểu về vị trí, vai trò, ý nghĩa của An toàn khu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi đi thực tế tại địa điểm lịch sử, các em học sinh sẽ xây dựng chương trình và viết bài thu hoạch. Từ thực tế nắm bắt được, học sinh báo cáo kết quả bằng hình thức sân khấu hóa qua hoạt cảnh "Chiến thắng Điện Biên Phủ" mang nhiều ý nghĩa, từ đó giúp học sinh thêm tin yêu, tự hào về lịch sử dân tộc, trân trọng những giá trị cuộc sống hôm nay. Điều đáng nói là, tất cả các chủ đề hoạt động trải nghiệm đều được báo cáo thông qua văn bản song ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) theo hình thức học sinh viết báo cáo bằng tiếng Việt, sau đó dịch sang tiếng Anh (hoặc ngược lại), sau đó giáo viên bộ môn, giáo viên tiếng Anh và các thành viên CLB sẽ trợ giúp ngôn ngữ (nếu cần thiết).
Trong năm học 2016-2017, trường THPT Nho Quan C đã thực hiện thành công nhiều chủ đề hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học, cụ thể như: "Học viện Nông nghiệp Việt Nam-điểm đến tri thức nông nghiệp công nghệ cao" của học sinh lớp 11E, nhóm chuyên môn Sinh học, trải nghiệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam; chủ đề "Dấu chân phía trước", lớp 11D, nhóm chuyên môn Ngữ văn, tại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên); "Hành trình về miền đất Tổ", lớp 11A, nhóm Lịch sử, tại Đền Hùng (Phú Thọ); "Văn hóa Mai Châu, Hòa Bình", của học sinh lớp 11G, nhóm tiếng Anh tại Mai Châu (Hòa Bình); "Tìm hiểu về sự hình thành nhũ đá", lớp 12A, nhóm Hóa học, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình); chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh", lớp 12H, nhóm chuyên môn GDCD, tại địa điểm Khu di tích K9 (Ba Vì - Hà Nội); "Tìm hiểu về ý nghĩa của Văn Miếu Quốc Tử Giám", lớp 12K, nhóm chuyên môn Địa lý, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); "Công nghệ thông tin và cuộc sống", lớp 10C, nhóm Tin học, tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Viện Công nghệ Thông tin; chủ đề "Vận dụng yếu tố thiên nhiên nâng cao sức khỏe" của lớp 11B, nhóm Thể dục - Giáo dục quốc phòng, tại Ao Vua (Hà Nội)…
Từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo của mỗi lớp đều gắn với đặc trưng môn học, dưới sự hướng dẫn của nhóm chuyên môn, nhóm giáo viên bộ môn đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại trường. Trong các cuộc thi của học sinh và giáo viên do Ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo phát động như: Thi học sinh giỏi, cuộc thi "Dạy học theo chủ đề tích hợp", cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn", Hội thi "Giai điệu tuổi hồng"…. nhà trường đều giành những giải cao, được biểu dương, ghi nhận. Quan trọng hơn, việc tổ chức hoạt động có sự tích hợp chủ đề dạy học, tích hợp nội môn, tích hợp liên môn, tổ chức mang tính khoa học chuyên ngành của từng môn học giúp học sinh của trường nắm bắt và hiểu vấn đề cần học một cách dễ dàng, cụ thể, nhanh chóng hơn; khẳng định, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một hình thức học tập sáng tạo, hấp dẫn, học sinh vừa được trải nghiệm thực tế, vừa có kiến thức, kỹ năng cần thiết cho bộ môn. Đồng thời, qua hoạt động này hướng tới cho học sinh những giá trị cốt lõi trong cuộc sống như tính trung thực, tự tin, năng động, có tinh thần đồng đội, biết tôn trọng đam mê của bản thân và người khác, có tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào về các di sản văn hóa và ngôn ngữ Việt; có khả năng thể hiện quan điểm bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, hướng tới xây dựng tiêu chí hội nhập cho những công dân toàn cầu.
Cũng theo thầy hiệu trưởng Lê Thành Dương, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học tại trường THPT Nho Quan C được thực hiện hoàn toàn thông qua việc xã hội hóa, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong học sinh và các bậc phụ huynh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Qua kết quả khảo sát ý kiến của học sinh về hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học, có trên 90% các em học sinh cảm thấy thỏa mãn, thích thú, hiệu quả và bổ ích khi thực hiện hoạt động này và mong muốn trong năm học tới tiếp tục được tổ chức những chuyến đi trải nghiệm tương tự.
Theo nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học, hiệu quả xã hội quan trọng nhất mang lại cho học sinh là sự tự tin, năng động và cảm hứng mới trong học tập ở tất cả các bộ môn. Cùng với đó, các em có "sân chơi" để bộc lộ và phát triển năng lực của mình, từ đó có thêm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Đối với các thầy, cô giáo cũng đem lại những lợi ích thiết thực, như trải nghiệm cùng học sinh tới nhiều vùng miền trong cả nước, được thực hành rèn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ, được thể hiện năng khiếu của mình cũng như được học tập thêm nhiều kỹ năng trong thực tế cuộc sống; đặc biệt hơn là có thêm cơ hội được gần gũi, chia sẻ với học sinh của mình, giúp cho tình thầy-trò thêm gắn bó, thân thiết. Với những kết quả đạt được, trường THPT Nho Quan C là đơn vị đi đầu trong khối các trường THPT trong tỉnh về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây sẽ là trường nòng cốt về hoạt động tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo, tiếp cận hiệu quả với chiến lược đổi mới chương trình giáo dục đào tạo của đất nước.
Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, qua thực tế hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với môn học ở trường THPT Nho Quan C cho thấy hiệu quả đạt được rất tích cực và là điển hình hay cần được nhân rộng. Trong chương trình của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động về tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo trong chiến lược đổi mới giáo dục đào tạo, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trường THPT Nho Quan C đã đi trước một bước, có sự tiếp cận nhanh, tổ chức hoạt động cụ thể và thành công ngoài mong đợi. Đây là thành tích đáng ghi nhận của nhà trường và cũng là tâm điểm để Bộ Giáo dục và Đào tạo học tập và hướng tới nhân rộng điển hình này trong các trường học phổ thông. Trước mắt, trường THPT Nho Quan C cùng với 3 trường THPT khác là: THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐHSP Hà Nội); trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) và trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài THVN thực hiện các phóng sự về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khẳng định hiệu quả của một phương pháp học tập mới, làm cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới lộ trình đưa môn học Trải nghiệm sáng tạo trở thành môn học mới giảng dạy trong các nhà trường.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh