Với lợi thế đất đai rộng rãi, trong đó chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính là chìa khóa nâng cao thu nhập cho người dân.
Với mỗi sào hoa cúc, nông dân Thạch Bình thu về từ 20-30 triệu đồng (Trong ảnh: chị Bùi Thị Tuyết,thôn Đồi Dài, xã Thạch Bình chăm sóc vườn hoa cúc chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán).
Là xã miền núi nằm ở phía tây bắc huyện Nho Quan, Thạch Bình có diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất nhì huyện Nho Quan. Toàn xã có khoảng 800 ha đất đồi rừng, đất nông nghiệp là gần 600 ha (chủ yếu là đất màu, đất 1 lúa, 1 màu). Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.
Thực tế những năm gần đây, với sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền, sự nhạy bén, năng động của người dân, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện canh tác như hoa, dược liệu, rau xanh, rau gia vị... đã đưa vào vào sản xuất, thay thế dần các cây trồng truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm về thôn Đồi Dài (xã Thạch Bình), nơi mà những năm gần đây bà con phát triển mạnh cây hoa. Để chuẩn bị cho thị trường hoa dịp Tết Nguyên đán, ở khắp vườn nhà, cánh đồng, những người nông dân đang tất bật chong đèn, ươm trồng, chăm sóc cho các loại hoa từ cúc, huệ, lay ơn đến hoa hồng...
Sở hữu 5 sào trồng hoa cúc, chị Bùi Thị Tuyết - một người dân trong thôn cho biết: Trước đây, trên diện tích này, gia đình chỉ trồng ngô, lạc nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày chuyển sang trồng cây hoa, tuy tốn công chăm sóc, vất vả hơn nhưng thu nhập lại cao gấp nhiều lần trước kia. Trung bình mỗi sào trồng hoa, gia đình thu về từ 20-30 triệu đồng tùy vào giá cả thị trường. Với những lao động lớn tuổi không đi làm được ở các Công ty như bà thì đó là một khoản thu nhập đáng kể.
Cán bộ, người dân xã Thạch Bình tham quan, học hỏi mô hình trồng dược liệu của gia đình ông Trần Văn Tôn, thôn Đồi Dài.
Cũng tại thôn Đồi Dài, gia đình ông Trần Văn Tôn là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồi màu kém hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Ông Tôn chia sẻ: Gia đình có nghề làm thuốc nam truyền thống nhưng trước đây, ông chỉ đi mua dược liệu từ các vùng khác về để chế biến. Sau này, nhận thấy tiềm năng đất đai địa phương phù hợp với các cây thuốc, ông đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2 mẫu vườn của gia đình sang trồng các loại cây thuốc như dây thìa canh, râu mèo, chè vằng, khổ sâm... để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, ông còn cung cấp giống, phổ biến cho hàng chục hộ dân khác trong thôn cùng trồng rồi thu mua cho bà con. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường 50 tấn dược liệu khô, thu nhập trên 500 triệu đồng.
Không chỉ trồng hoa, dược liệu, ở xã Thạch Bình còn có mô hình trồng rau gia vị cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Cụ thể như hộ gia đình nhà anh Đặng Đức Tân, với 8 sào trồng các loại rau gia vị như các loại rau húng, lá mơ, tía tô, rau răm..., mỗi ngày gia đình anh cung cấp ra thị trường 40-50 kg rau thương phẩm, tương đương với 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh bỏ túi khoảng 3 trăm triệu đồng. “Rau gia vị là một thức không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình Việt, do vậy sản phẩm làm ra chưa bao giờ ế, giá cả rất ổn định. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm chủ yếu dùng ăn trực tiếp, ăn sống nên quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gia đình đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo thời gian cách ly, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ chữ tín với khách hàng” - anh Tân chia sẻ.
Với diện tích đất rừng lên tới 800 ha, thay vì chỉ trồng cây keo, thì việc trồng thêm các cây dược liệu, nuôi ong dưới tán rừng, trồng xen thêm các cây đặc sản bản địa như bùi, sim... cũng là một giải pháp quan trọng để xã Thạch Bình nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Được biết, hiện nay, ở Thạch Bình có hơn 50 hộ nuôi ong với trên 4 nghìn đàn ong, mới đây những người nuôi ong ở đây đã tập hợp nhau lại thành lập HTX nuôi ong để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong đồi rừng.
Nuôi ong dưới tán rừng giúp nhiều nông dân Thạch Bình có thêm thu nhập (Trong ảnh: Ông Phạm Anh Quyết (bên phải) kiểm tra đàn ong).
Ông Phạm Anh Quyết, một thành viên của HTX nuôi ong Thạch Bình cho biết: Nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ong lấy mật, những năm gần đây, tôi đã liên tục nhân đàn, đến nay tôi đã sở hữu hơn 100 thùng ong, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 2 tấn mật, thu về hơn 100 triệu đồng. Cũng theo ông Quyết, với 800 ha rừng, thì thời gian tới, bà con trong xã có thể nhân đàn ong lên gấp đôi, gấp 3 lần hiện tại, qua đó tận dụng tối đa thế mạnh đồi rừng của địa phương để phát triển kinh tế.
Trao đổi với phóng viên đồng chí Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Trước đây, kinh tế địa phương chủ yếu là sản xuất đồi rừng với cây trồng chủ đạo là keo, các cây nông nghiệp khác như ngô, lạc, khoai sắn thì hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Để giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả, UBND xã hướng dẫn người dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá; cùng với tranh thủ các nguồn lực đầu tư, xã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ người dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, qua đó, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện, nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm;
Thời gian tới, xã tiếp tục rà soát lại quỹ đất, thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất; nhân rộng những mô hình cây trồng hiệu quả; tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn về kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các hộ sản xuất.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây là tiền đề để xã Thạch Bình tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.