Đến thăm Trường Mầm non xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) nhận thấy một không gian học tập, vui chơi mang lại sự thoải mái, tự do, đầy khám phá cho các em: Một không gian xanh với cây xanh bóng mát, những chậu hoa, cây cảnh; khu tiểu cảnh gồm thảm cỏ, con vật, dòng sông; khu vui chơi, tìm hiểu với nhiều loại hình công việc, ngành nghề… được các cô giáo hình thành, sáng tạo từ những đồ phế liệu như vỏ bia, chai nước, lốp xe, hộp sữa… giúp các bé thỏa sức vui chơi, tìm hiểu.
Cô giáo Đoàn Thị Vòng, giáo viên lớp 5 tuổi B, Trường Mầm non Quang Sơn cho biết, là giáo viên có nhiều năm giảng dạy cho trẻ lớp 5 tuổi, tôi nhận thấy, môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tuy mới được khuyến khích và đưa vào thực hiện được gần 2 năm học nhưng cho thấy hiệu quả bước đầu rất tốt, phù hợp với hầu hết đối tượng trẻ em, nhất là những em từ 4-5 tuổi.
Cụ thể như, tại lớp học, chúng tôi hình thành các góc kỹ năng sống, góc học, góc chơi... Đối với góc học kỹ năng sống, có các mô hình hoạt động chải đầu, vệ sinh răng miệng, quét nhà, trang điểm với những chủ điểm, chủ đề về mùa xuân, về Tết cổ truyền…; góc học về nghề nghiệp có mô phỏng các nghề các em dễ nhận biết như nghề xây dựng, trang trại trồng cây, vườn rau, cây cảnh…; các hoạt động học về mua bán, cứu hỏa, đảm bảo ATGT, học nhạc, học toán, học chữ… Qua các góc học tập này, trẻ em có thể lựa chọn học một mình hoặc theo nhóm, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực hơn trong học tập.
Theo cô giáo Lê Thị Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), hiểu rõ tầm quan trọng, nội dung và ý nghĩa của chuyên đề nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện các mặt theo quan điểm "lấy trẻ làm trung tâm", nhà trường đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên các lớp lựa chọn các hoạt động linh hoạt, sáng tạo phù hợp cho từng độ tuổi, từng nhóm lớp. Nhà trường cũng kêu gọi xã hội hóa từ các bậc phụ huynh học sinh ủng hộ kinh phí, đồ dùng, nguyên liệu…; đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, linh hoạt, phát huy cao nhất tính tích cực, sáng tạo, tạo mọi cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động trong ngày…
Qua đánh giá bước đầu, mô hình dạy học mầm non lấy trẻ làm trung tâm đã mang lại những kết quả tốt đẹp: Học sinh say mê học tập, thích được đến trường, hiểu nhanh hơn nội dung, ý nghĩa các môn học. Đối với giáo viên cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành các hoạt động giáo dục cho trẻ…
Theo nhà giáo Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục mầm non -Sở Giáo dục và Đào tạo, mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là việc mỗi giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách thụ động như cách giảng dạy truyền thống, mà chủ động tạo ra các điều kiện, các cơ hội để trẻ em được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm.
Để đạt được điều này, các giáo viên cần nắm được hứng thú, nhu cầu, trình độ, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, mỗi giáo viên cần áp dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy, các cô không chỉ truyền thụ mà còn tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện sáng tạo, tự khám phá.
Cũng theo nhà giáo Trịnh Thị Bản, năm học 2017-2018 là năm học thứ 2 Bộ GD&ĐT triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2016-2020 và là năm học đầu tiên tổ chức cuộc thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non". Tại Ninh Bình, cuộc thi được tổ chức thành công từ cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp tỉnh từ giữa tháng 4/2018, lựa chọn được 14 sản phẩm tiêu biểu để trao giải nhất, nhì, ba và khuyến khích, trong đó có 3 sản phẩm xuất sắc được chọn tham gia cuộc thi cấp Bộ.
Thành công của cuộc thi là nâng cao nhận thức và năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong việc tổ chức xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức hoạt động cho trẻ học bằng chơi, bằng trải nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường và tổ chức các hoạt động cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Điều quan trọng hơn là cuộc thi đã mang lại diện mạo mới cho các nhà trường. Nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được cải tiến, thay mới, nhiều phòng học, sân chơi được làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, thông thoáng, sắp xếp bố trí sáng tạo, phù hợp với diện tích của nhóm lớp, của trường. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên đề và cuộc thi từ tháng 8/2017 đến nay là trên 119 tỷ đồng. Đã có 130 phòng học được xây mới và đưa vào sử dụng, 143 phòng học đang hoàn thiện; mua mới trên 17 nghìn bộ thiết bị đồ chơi, trên 17 nghìn bộ đồ chơi tự làm của giáo viên và cha mẹ học sinh, đáp ứng tương đối đầy đủ các hoạt động của trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Hạnh Chi