Thời điểm đầu tháng 2, có mặt tại cánh đồng xây dựng mô hình trồng cây Trạch Tả của HTX nông nghiệp Hoàng Sơn, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh bà con nông dân đang tấp nập thu hoạch củ Trạch tả và xe của doanh nghiệp tiêu thụ đến tận đầu bờ thu mua sản phẩm. Bà Hoàng Thị Lệ Diễm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn cho biết: Qua tìm hiểu, Trạch tả là một loại cây dược liệu quý, củ Trạch tả sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua với giá cả hợp lý. Hơn thế, trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt trên đất 2 lúa, đặc biệt là những chân ruộng trũng thường sản xuất các cây trồng khác không hiệu quả. Trạch tả được trồng ở vùng đất trũng của Kim sơn và Yên Khánh từ nhiều năm nay và cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành vụ lúa thứ ba của nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên trên đồng đất của Ninh Tiến đây lại là cây trồng hoàn toàn mới. Với nhiều lợi thế, cùng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã và sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố, HTX nông nghiệp Hoàng Sơn đã mạnh dạn đưa cây Trạch Tả vào gieo trồng ở vụ Đông năm 2017 trên diện tích 4 ha. Để tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình, Ban quản lý HTX đã đi thăm quan mô hình tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh để tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính của cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến từ cây trạch tả. Đồng thời tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cho 50 học viên xã viên HTX. Bên cạnh đó, để đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo, HTX đã ký kết hợp đồng với HTX dịch vụ thương mại Nghĩa Hưng (xã Khánh Thủy, Yên Khánh) tiêu thụ toàn bộ sản phẩm tươi với giá 10 nghìn đồng/kg củ tươi.
Có thể khẳng định đây là vụ đầu tiên cây Trạch tả xuất hiện trên đồng đất của xã Ninh Tiến nhưng quá trình sản xuất tương đối thuận lợi. Hạt được gieo từ giữa tháng 9 và đến giữa tháng 10 đem cây đi cấy. Sau thời gian hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, đại diện Hội nông dân thành phố Ninh Bình cho biết: Qua quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Trạch tả và kết quả thống kê đánh giá tại chỗ về năng xuất, sản lượng, cho thấy của cây Trạch tả cho hiệu quả tương đối cao.
Năng suất thực tế đạt 280 kg/sào/vụ, với giá thu mua hiện nay 10 nghìn đồng/kg cho thu nhập 2,8 triệu/sào, sau khi trừ chi phí người nông dân có lãi 1 triệu/sào/vụ (tương đương 27,7 triệu/ha/vụ). Từ kết quả trên cho thấy cây Trạch tả hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã Ninh Tiến, nhất là trên các chân ruộng trũng khó canh tác. Việc nhân rộng gieo trồng cây Trạch tả giải quyết tốt vấn đề bỏ ruộng hoang, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã Ninh Tiến nói riêng, thành phố nói chung.
Sự thành công bước đầu của mô hình đã và đang mở ra một hướng đi mới trong sản xuất Nông nghiệp của xã Ninh Tiến đó là mở rộng sản xuất hàng hóa từ trồng cây dược liệu để thay thế một số cây truyền thống, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030".
Với hiệu quả bước đầu của mô hình, trong các vụ đông tiếp theo, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các địa phương tiếp tục mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây Trạch tả theo hướng an toàn, hướng đến xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu trên những diện tích trũng phù hợp.
Đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích bà con nông dân phát triển cây dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập và giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Bài, ảnh: Hồng Giang