Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Chi cục đã làm việc với UBND xã Khánh Hải (Yên Khánh), khảo sát thực địa tại địa phương và nhận thấy Khánh Hải là xã có truyền thống trong phát triển cây vụ đông nói chung và cây khoai tây nói riêng.
Xã có cơ sở hạ tầng (hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường giao thông...) thuận lợi cho phát triển cây vụ đông và tiêu thụ sản phẩm.
Qua khảo sát, Chi cục đã lựa chọn được 40 hộ có đủ điều kiện tham gia (có kinh nghiệm trong trồng cây khoai tây, có hợp đồng cam kết tham gia và có đủ nhân lực cùng kinh phí đối ứng) trên diện tích 3 ha của HTX Đông Mai để triển khai thực hiện mô hình.
Ngay sau đó, Chi cục đã phối hợp với HTX Đông Mai tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia với các chuyên đề: Quy trình sản xuất rau củ, quả an toàn; nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau, củ, quả an toàn; quản lý theo dõi, giám sát sinh trưởng, phát triển cây khoai tây; quy trình trồng, chăm sóc cây khoai tây an toàn.
Theo đó, mật độ trồng đạt từ 4-6 cây/m2. Phân bón cho 1 ha là: 260 kg đạm-600 kg lân-500 kg kali-1.500 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ sinh học; bón lót toàn bộ phân chuồng cùng phân lân và 100 kg đạm; bón thúc lần 1 sau 18 ngày trồng với 100 kg đạm, 140 kg kali; bón thúc lần 2 với 60 kg đạm và 90 kg ka li sau 40 ngày trồng. Đảm bảo chế độ tưới nước cho cây và tưới lần 1 sau 35 ngày trồng...
Chi cục đã cấp hỗ trợ 2.100 kg giống khoai tây Marabel sạch bệnh có nguồn gốc từ Cộng hòa liên bang Đức cùng 234 kg đạm urê, 540 kg super lân, 225 kg kali và 1.350 kg phân hữu cơ sinh học cho các hộ dân tham gia.
Các hộ gia đình tham gia đã tiếp thu và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất từ khâu làm đất, bón phân đến tiến hành trồng đồng loạt vào ngày 15-10-2016. Là một trong 40 hộ, gia đình tham gia mô hình, chị Tạ Thị Liễu (HTX Đông Mai) chia sẻ: Gia đình tôi tham gia trồng 1 sào khoai tây. Khoai tây là cây ưa lạnh, song vụ đông năm nay lại ấm, mưa ít nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Tuy vậy, đến nay khoai tây trong mô hình đang sinh trưởng phát triển tốt, mỗi hốc có bình quân 4 nhánh, mỗi nhánh có 7-8 củ non. Dự kiến giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, khoai tây của mô hình sẽ cho thu hoạch.
Đồng chí Đỗ Trường Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hải cho biết: Tính toán cho thấy năng suất khoai tây trong mô hình ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng 60 tấn. Chỉ tính ở đơn giá 6 nghìn đồng/kg thì giá trị thu được của mô hình là 360 triệu đồng, trừ chi phí (giống, phân bón...) còn lãi trên 150 triệu đồng.
Mặt khác, trồng cây khoai tây vụ đông còn làm tăng độ xốp, độ màu mỡ của đất, cải tạo thành phần cơ giới và tầng canh tác của đất, do cây khoai tây là loại cây trồng có vi khuẩn nốt sần sống cộng sinh.
Hơn nữa, đây còn là giải pháp nhằm luân canh giữa cây trồng nước và cạn nhằm hạn chế nguồn lây lan một số loại sâu bệnh.
Về mặt xã hội, mô hình giúp người nông dân thực hành quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn trên mảnh ruộng của mình; biết cách sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc BVTV có hiệu quả và phù hợp.
Mô hình còn góp phần vào việc giải quyết việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, an toàn và hiệu quả.
Toàn bộ sản phẩm của mô hình đều được Công ty cổ phần Quốc tế An Việt ký hợp đồng bao tiêu, hình thành mối liên kết giữa các nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp với nhau. Đó là mối liên kết đang rất cần của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng.
Đinh Chúc