Và vào đây hầu hết là những học sinh có lực học yếu. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn cố gắng cho con vào một cơ sở giáo dục nào đó để "rèn luyện" thêm và hy vọng có tấm bằng tốt nghiệp cấp III để đi học nghề.
Nhưng từ khi ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện cuộc vận động "Hai không" thì chất lượng của các Trung tâm GDTX cũng đã được siết chặt hơn. Học viên không còn lên lớp "ồ ạt" như trước và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lớp 12 cũng rất thấp. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số và công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các TTGDTX trong tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Đào, Giám đốc TTGDTX thành phố Ninh Bình cho biết: Năm học vừa qua, Trung tâm có 56 học viên bỏ học. Năm học này cũng chỉ tuyển được 142 học viên, trong khi đó kế hoạch đề ra là 200 học viên, giảm 1 lớp so với kế hoạch.
Theo ông Đào, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học viên bỏ học, như học quá yếu, lại không có ý thức tốt trong việc học. Nhiều học viên chỉ học mang tính chất đối phó với gia đình, nhà trường.
Năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 623 học viên bỏ học, tỷ lệ duy trì sỹ số đạt 93,18%. Số học viên bỏ học tăng rất nhiều so với các năm trước.
Nguyên nhân của vấn đề này theo ông Nguyễn Văn Sản, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở GD - ĐT), có 3 nguyên nhân chính khiến học viên ở các TTGDTX bỏ học trong năm qua tăng đột biến đó là: Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bản thân học viên và gia đình có nhu cầu đi tìm việc làm tại các khu công nghiệp, vùng kinh tế mới. Bản thân học viên có học lực quá kém, kiến thức bị hổng nhiều từ những lớp dưới, học viên không theo được nên bỏ học. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Hai không": dạy thực chất - học thực chất - đánh giá thực chất, nên một bộ phận học viên có kết quả học tập quá thấp dẫn đến không thể tiếp tục theo học.
Từ thực tế đó đã ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của toàn ngành. Năm học 2008-2009, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của các TTGDTX là 63 lớp với 3.465 học viên, nhưng chỉ tuyển được 2.766 học viên với 53 lớp, giảm 10 lớp so với kế hoạch.
Có thể thấy một thực tế ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các học viên đó là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các Trung tâm trong tỉnh đều rất thấp, khoảng 30%. Năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 3.842 học viên dự thi chỉ có 1.211 học viên đỗ. Hy vọng đỗ tốt nghiệp lần II cũng rất khó khăn. Rất nhiều học viên sau khi trượt tốt nghiệp đã đi tìm việc làm, không mấy học viên mặn mà với công việc ôn tập và thi cử tiếp.
Em T.A.T nói: "Em biết lực học của mình không thể thi đỗ vào THPT hệ công lập, nhưng em cũng không muốn vào học tại các trường bổ túc. Hiện tại cũng có rất nhiều công ty và các trường dạy nghề tuyển học sinh tốt nghiệp THCS . Gia đình em cũng đồng ý để em đi học nghề luôn".
Tình trạng bỏ học và khó khăn trong tuyển sinh vào lớp 10 tại các TTGDTX cho thấy, nhận thức xã hội đã có sự thay đổi. Phụ huynh, học sinh cảm thấy năng lực học tập của con em mình không thể tiếp tục nên cho đi học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp, không để mất thêm 3 năm học bổ túc mà cuối cùng cũng không thể có được tấm bằng tốt nghiệp cấp III.
Việc phân luồng ngay từ cấp THCS là đúng đắn phù hợp với xu thế của thời cuộc, tránh được sự lãng phí về thời gian, tiền bạc của các gia đình và hạn chế sức ép đối với ngành Giáo dục - Đào tạo vào mỗi kỳ thi tốt nghiệp hàng năm.
Linh Nhi