Thế giới ảo, hậu quả thật
Phạm Thị Mai, sinh viên trường Đại học Hoa Lư chia sẻ: Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, lúc rảnh, em lại dùng smartphone để truy cập các thông tin trên mạng; "chat" với bạn bè, người thân, người yêu... Từ mạng xã hội mà chúng em được mở mang kiến thức, kết nối bạn bè, nhất là trong các hoạt động tình nguyện của Đoàn trường. Cũng chính vì lẽ đó mà hầu hết các bạn sinh viên trong trường đều sử dụng smartphone, tham gia Facebook, Zalo... để kết bạn, giao lưu, có bạn còn tranh thủ bán hàng online, tăng thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Tuy nhiên, "thế giới ảo" mà mạng xã hội mang lại đã và đang đã gây nhiều hệ lụy khi mà ngày càng có quá nhiều người đam mê dẫn đến "nghiện". Đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ "ngốn" thời gian để lướt Web, xem phim, tham gia bình luận trên Facebook, Zalo... dẫn đến sao nhãng công việc, học hành và không còn có thời gian vui chơi, rèn luyện thể thao, tham gia các hoạt động nhóm, tập thể... Thậm chí ít trò chuyện, tiếp xúc với ngay cả cha mẹ và những người chung quanh... Có nhiều bạn trẻ thừa nhận, nếu một ngày họ không sử dụng smartphone để truy cập Internet... thì gần như đó là quãng thời gian họ "phát điên".
Mạng xã hội đã "đưa" con người sống ở thế giới ảo nhiều hơn, khiến không ít người sử dụng bị lôi kéo, thậm chí mất kiểm soát. Và mặt trái của mạng xã hội cũng dần bộc lộ khi nhiều cá nhân lợi dụng để làm những điều phản cảm, vô văn hóa... Đơn cử như gần đây nhất hiện tượng Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn "hoa hồng"... xuất hiện trên Youtube, Facebook với những lời lẽ thô tục, chửi bậy, cách hành xử theo kiểu "xã hội đen"... đã nhanh chóng thu hút giới trẻ. Những clip với những lời nói nhố nhăng, chửi bậy... lại được các bạn trẻ nhanh chóng chia sẻ, "tôn" các đối tượng này lên thành "thần tượng", "hình mẫu" để noi theo, khiến không ít bạn trẻ có những nhận thức lệch lạc và hành động thiếu chuẩn mực. Và chính những bình luận, lượt xem, lượt chia sẻ của người dùng đã đem lại cho Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn "hoa hồng"... tiền triệu mỗi tháng từ nhà mạng... vô hình chung tạo "đất sống" cho các "giang hồ mạng" mà nhiều người không hề hay biết.
Em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 7 trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Hiện nay, ngoài học văn hóa, bố mẹ em còn cho học thêm ở các trung tâm Anh ngữ, trung tâm thanh thiếu nhi, lịch học kín gần như không có thời gian để chơi. Tuy nhiên, lúc rảnh, em vẫn được bố mẹ cho xem điện thoại để truy cập các trang mạng, tham gia giải trí. Các thông tin giải trí rất hấp dẫn, nếu bố mẹ không ngăn cản chắc em không dứt ra được". Cũng theo Hiếu thì gần đây "Khá Bảnh", Dương Minh Tuyền... cũng được nhiều bạn học sinh biết đến, thậm chí nhiều bạn học theo cách "chửi bậy" của các nhân vật này...
Tham gia mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại tung tin giả để câu "view", trục lợi. Đã có nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt liên quan đến thực phẩm như: đỉa xuất hiện trong mỳ tôm, sữa, bim bim, trứng, thịt; xoài làm bằng ni lon, đậu nành gây ung thư... những thông tin như vậy nhanh chóng được lan truyền trên mạng, gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng người nông dân cũng như người kinh doanh. Đáng nói là với lối sống buông thả của không ít người trẻ, nhiều người không ngần ngại tung hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng chỉ để "khoe", để trả thù tình cũ, hoặc cũng có thể bất kỳ một lý do nào mà họ muốn, họ thích. Hậu quả là mỗi cái like, share từ những người thân, thậm chí là từ nhiều người lạ đã đẩy những nhân vật trong ảnh, trong clip đó đến những ám ảnh, thậm chí là nỗi tuyệt vọng. Đã có nhiều kết cục đau lòng khi người bị phát tán hình ảnh, clip nhạy cảm trên mạng không chịu được sức ép phải tìm đến cái chết để thoát ra khỏi "vòng vây" của những lời dị nghị, mỉa mai, xúc phạm trên mạng...
ở cấp độ vĩ mô, mạng xã hội đã bị những kẻ xấu lợi dụng, biến thành phương tiện gây bất ổn xã hội, làm gia tăng các cuộc tấn công trên mạng có quy mô ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến chính trị, kinh tế, an ninh, an toàn của các quốc gia… khiến cho việc kiểm soát an ninh trong không gian mạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đừng để mình trở thành nạn nhân!
Với đặc tính nhanh, có sức lan tỏa rộng, các thông tin trên mạng lại rất khó quản lý, kiểm soát, nếu người sử dụng, tiếp cận thông tin không có đủ năng lực nhận biết, kỹ năng xử lý thì mạng xã hội trở thành "con dao hai lưỡi", gây ra những hậu quả khôn lường và hệ lụy rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một gia đình mà còn cả xã hội. Vậy làm thế nào để mình không trở thành nạn nhân của mặt trái mạng xã hội?
Tham gia vào mạng xã hội ảo tiện ích và hiệu quả như thế nào là do chính cách dùng của người sử dụng. Hãy biết sử dụng một cách khoa học để mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống. Bạn Nguyễn Thị Minh Yến, cán bộ Đoàn huyện Hoa Lư cho biết: Tôi luôn cẩn trọng trước khi truy cập, chia sẻ các thông tin. Trước những thông tin tiêu cực gây hoang mang trong dư luận, nhất là trong giới trẻ, tôi thường chia sẻ các thông tin tốt, những việc làm hay đưa lên các tài khoản cá nhân của mình như Facebook, Zalo. Bởi tôi tin rằng, điều tốt sẽ lan tỏa, các bạn trẻ sẽ nhận ra giá trị đích thực của những hành động đẹp, tư duy đúng.
Dùng mạng xã hội để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc cũng chính là một trong những cách mà các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai thời gian qua. Đồng chí Trần Văn Bách, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để định hướng và hướng dẫn khai thác sử dụng mạng xã hội tích cực trong thanh thiếu niên, thời gian qua các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tăng cường thông tin tích cực nhằm hạn chế thông tin xấu trên mạng xã hội thông qua khai thác, sử dụng Facebook và trang fanpage của đơn vị theo chuyên mục "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp". Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi thông qua việc triển khai hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới" gắn với Cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác". "Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta đã có công cụ bảo vệ của Nhà nước là Luật An ninh mạng, song, để Luật đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế mức thấp nhất những mặt trái của mạng xã hội đối với xã hội nói chung, người trẻ nói riêng thì ngay từ trong mỗi gia đình, nhà trường cũng cần phải có những giáo dục, định hướng cho các em, nhằm tạo "sức đề kháng" cho thanh thiếu nhi trước các nguy cơ, yếu tố tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại…"- đồng chí Trần Văn Bách nói.
Người xưa có câu: "Sẩy chân gượng lại còn vừa/ sẩy miệng biết nói làm sao bây giờ". Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, những người trẻ cần phải nêu cao trách nhiệm của mình trước các thông tin chia sẻ hay luận bàn. Hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông thái để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với mình và xã hội, bởi suy cho cùng "họa cũng từ miệng mà ra".
Minh Ngọc