Đến với lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư, một lần nữa du khách có thể cảm nhận được nét văn hóa dân gian còn lưu giữ khá rõ nơi kinh thành Hoa Lư xưa. Lối sống, cách nghĩ của người dân nông nghiệp được thể hiện qua tục rước nước truyền thống. Lễ hội đã trở thành truyền thống, năm này qua năm khác nhưng người dân xã Trường Yên nói riêng và người dân huyện Hoa Lư nói chung vẫn háo hức, chờ đón được theo đoàn đi rước nước tại sông Hoàng Long. Để rồi 1040 năm trôi qua chính nơi đây từng gốc cây, ngọn cỏ vẫn còn ghi dấn ấn một thời hào hùng của dân tộc gắn liền với tên tuổi Đinh Tiên Hoàng, vị Hoàng đế của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.
Ông Trần Nhật Tương, thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư) xúc động nói: Năm nào tôi cũng được trong đội hình rước nước của xã, tôi coi đây là niềm tự hào của cá nhân mình. Quê tôi bây giờ đã đổi mới nhiều, có những phong tục, tập quán cổ truyền đã mai một, nhưng Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư vẫn được người dân coi trọng và là nỗi nhớ để mỗi người dân xa quê tìm về.
Để lễ hội ngày càng đến gần với người dân và đem đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc hơn trong ngày khai hội, Ban tổ chức lễ hội đã mời Nhà hát chèo Hà Nội về biểu diễn chương trình khai mạc với chủ đề "Hoa Lư cố đô ngàn năm". Chương trình huy động hàng trăm diễn viên với 7 hoạt cảnh như: Trống hội Hoa Lư; Cờ lau tập trận; Rồng thiêng cứu Chúa, Ngọc đế vương ứng ngôi Thiên tử; Dẹp loạn 12 xứ quân; Lễ xưng đế; Trao long bào, ấn kiếm cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn; Ban Chiếu dời đô. Những màn biểu diễn này đã cho người xem hồi tưởng lại một chiều dài lịch sử suốt 42 năm của kinh thành Hoa Lư xưa.
Ông Tùng (người dân xã Trường Yên- Hoa Lư) nói: Năm nay Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn chương trình khai mạc rất hay, chi tiết hơn mọi năm. Tôi đã đi lễ hội nhiều năm song đây là chương trình sân khấu khai hội lớn nhất từ trước đến nay. Sau màn biểu diễn đầy ấn tượng của Nhà hát chèo Hà Nội là lễ thả Rồng, 2 Rồng vàng được thả bay lên bầu trời cố đô rực rỡ, hướng về phía núi Mã Yên. Người dân nơi đây nói rằng, năm nào mà Rồng vàng bay về phía đỉnh Mã Yên là năm đó sẽ mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt.
Du khách đến với lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư là một dịp để tìm về cội nguồn, để báo công với tiên tổ những công việc mà mình đã làm được trong năm qua. Đến đây, dù mải mê thưởng ngoại và tham gia vào các trò chơi dân gian cũng không thể quên thắp một nén nhang trình lên vua cha ban cho lộc- tài- sức khỏe.
Ông Đinh Văn Kha (xã Gia Trung- Gia Viễn) dù đã gần 70 tuổi nhưng năm nào cũng đạp xe hơn 10 km đi hội cùng bạn bè. Ông nói: Năm nào tôi cũng đi hội Trường Yên để tưởng nhớ về 2 vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn. Năm nay, lễ hội mở sớm hơn mọi năm nhưng người dân chúng tôi truyền tai nhau nên ai cũng biết, xã tôi sáng nay mọi người đi hội rất đông"
Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư còn là nơi lưu giữ những trò chơi dân gian độc đáo như: cờ Tướng, cờ người, hành quân nấu cơm, thi Thư pháp, kéo co, vật dân tộc…những trò chơi này thực sự đã đem lại cho du khách những kỷ niệm khó quên.
Chị Đinh Thị Thư, cán bộ huyện đoàn Hoa Lư cho biết: Đoàn thanh niên huyện Hoa Lư đã phối hợp với các ngành, các xã tổ chức các trò chơi dân gian nhằm mục đích thu hút khách du lịch, tạo sân chơi cho người dân các xã, nhưng quan trọng hơn là để lưu giữ lại nét văn hóa dân tộc đặc sắc mà ngày thường mọi người đã lãng quên. Chúng tôi gặp anh Thành, (xã Ninh An, Hoa Lư) đang say sưa với môn cờ người anh cho biết: Tôi đã đi rất nhiều lễ hội, có nhiều lễ hội thu hút người đông hơn lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư, nhưng ở đó mọi người chỉ đến để lễ bái, cầu xin tài, lộc chứ không có cơ hội được tham gia các trò chơi dân gian như thế này. Năm nay lễ hội lại trùng với "Tuần du lịch Ninh Bình năm 2008" nên du khách đến đây đông hơn và vui hơn rất nhiều".
Linh Nhi