Trò chuyện với hai em Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh về ý tưởng xây dựng mô hình được biết: Trong cuộc sống, con người và thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau, tuy nhiên bão lũ có sức tàn phá khốc liệt. Việt Nam cũng là một trong những nước thường xuyên gặp và chịu ảnh hưởng của bão lũ. Chính những điều đó đã gợi cho chúng em xây dựng ý tưởng làm một mô hình có khả năng chinh phục thiên nhiên. Biến những hậu quả mà thiên nhiên gây ra trở thành những nguồn năng lượng phục vụ lại chính cuộc sống của con người. Với mơ ước tạo ra một chiếc "máy thu và xử lý bão trong lòng đất", chúng em hy vọng máy sẽ giúp chuyển những tác hại do năng lượng gió, nước… của bão gây ra thành nguồn năng lượng điện phục vụ cho cuộc sống của con người. Theo đó, các cơn bão khi tràn qua các đảo hoặc đổ bộ vào đất liền, lập tức bị thu hết gió, nước… làm giảm các thiệt hại về người cũng như tài sản. Mặt khác, sức mạnh của gió khi thu lại sẽ được tích thành năng lượng điện để thay thế cho các nguồn năng lượng từ khí đốt như than, xăng, dầu…, từ đó góp phần giảm tải ô nhiễm môi trường sống.
Theo em Đinh Quỳnh Ngân, sau khi hai em thống nhất được ý tưởng, đã trao đổi với các thầy, cô giáo trong trường. Nhận thấy đây là ý tưởng lạ, giàu tính nhân văn nên các thầy, cô giáo, nhất là thầy giáo dạy môn mỹ thuật Phạm Sơn Thu ủng hộ và hỗ trợ để các em hiện thực được ý tưởng thông qua xây dựng mô hình. Theo đó, thầy và trò bắt tay vào việc tìm kiếm nguyên vật liệu phục vụ xây dựng mô hình như: Đồ nhựa, ống nước cũ, đồ chơi, giấy màu, vỏ chai, dây buộc, keo nến, màu vẽ… rồi miệt mài lắp ghép mô hình. "Chúng em tận dụng nguyên liệu cũ cùng với sự giúp đỡ của thầy cô và bố mẹ làm khung của mô hình. Em sử dụng nhựa compoxit để tạo thành chân của máy. Chai nhựa, ống gen để làm nên kết cấu bộ máy. 3 quạt hút gió được làm từ đồ chơi trẻ em (chuyển động được).
Đồ nhựa làm nên hộp tích điện. ống nhựa để đặt thành hệ thống dẫn gió trong lòng đất; các lỗ thoát gió hai em cùng thầy, cô tự chế từ nắp chai. Sử dụng các vật liệu đồ chơi phế thải làm nên cột thu sấm, chớp và gió, em làm các cảnh vật xung quanh cho mô hình thêm sinh động: Nhà cửa, cây cối. Sau khi hoàn thành các bộ phận, chúng em tô màu cho sản phẩm, sau cùng là thầy giáo hướng dẫn cách sắp xếp cho đẹp và cân đối trong mô hình. ý tưởng là thế, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mô hình, chúng em gặp cũng không ít khó khăn. Như mô hình làm lúc đầu quá to so với khuôn khổ, cần phải làm lại, những phần vật liệu cứng phải đục lỗ và gắn keo, em cũng phải nhờ sự giúp đỡ của thầy, cô và bố mẹ. Hệ thống điện làm cho bộ máy chuyển động quả là một việc làm khó khăn đối chúng em nên phải nhờ vào sự giúp đỡ của bố mới hoàn thành như ý muốn"- em Đinh Thị Nguyệt Minh nói.
Ở vòng chung kết Cuộc thi "ý tưởng trẻ thơ" diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua, hai em Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh với khả năng thuyết trình tự tin, hấp dẫn, dí dỏm về ý tưởng "Máy thu và xử lý bão trong lòng đất" đã chinh phục hoàn toàn Ban giám khảo cuộc thi và đã dành được giải nhất chung cuộc, mang về niềm tự hào không chỉ cho riêng Trường Tiểu học Trần Phú mà còn cho học sinh tỉnh Ninh Bình. Thầy giáo Phạm Sơn Thu, người đã luôn đồng hành cùng các em trong cuộc thi cho biết: Cuộc thi "ý tưởng trẻ thơ" được Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty Honda Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 2008. Đây là sân chơi sáng tạo và hấp dẫn các em nhỏ, bởi ở đó các em không chỉ được thể hiện tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước qua tranh vẽ mà còn bộc lộ óc quan sát, sự khéo léo, khả năng liên tưởng cũng như phản ứng linh hoạt và tính kiên trì trong từng khâu làm mô hình. Từ năm 2009 đến nay, năm nào Trường Tiểu học Trần Phú cũng có học sinh tham gia cuộc thi này. Và năm 2016, lần đầu tiên nhà trường có học sinh đạt giải nhất với ý tưởng mô hình "Máy thu và xử lý bão trong lòng đất" của hai em học sinh Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh. Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn của thầy và trò nhà trường và cũng là động lực để nhà trường tiếp tục động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em học sinh tham gia cuộc thi ở những năm tiếp theo.
Đào Hằng