Ông Trần Đức Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Dự án bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 631,8 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Quy mô dự án bao gồm 2 đoạn cải tạo, mở rộng là đoạn cửa phía Bắc và cửa phía Nam thành phố Ninh Bình với tổng chiều dài 13,4 km; xây dựng mới 5 đơn nguyên cầu Yên, cầu Do, cầu Vó, cầu Ghềnh, cầu Vũng Trắm và thay thế kết cấu phần trên đơn nguyên cầu Vũng Trắm cũ; giai đoạn 2 bao gồm 2 gói thầu: phần đường có tổng chiều dài là 15,6km được khởi công từ tháng 12-2011; phần xây dựng mới cầu Gián Khẩu khởi công từ tháng 9-2011. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.204,6 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến giao thông huyết mạch của đất nước; góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng cũng như sự liên thông, giao lưu kinh tế - văn hóa, xã hội hai miền Nam - Bắc.
Có thể thấy, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đã góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các địa phương có dự án đi qua như thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Anh Dương Văn Tuấn (Hoa Lư) cho biết: Từ khi mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, cuộc sống của người dân hai bên đường đã thực sự thay đổi. Bây giờ nhà ai cũng được xây dựng kiên cố, khang trang, vỉa hè sạch sẽ thuận tiện cho việc đi lại sinh hoạt cũng như kinh doanh của các hộ gia đình.
Đồng chí Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, từ 2011 - 2015, ngành Giao thông - Vận tải đã tổ chức xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình trọng điểm, quan trọng, với tổng kinh phí thực hiện hàng chục nghìn tỷ đồng, các công trình do Sở làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 13 nghìn tỷ đồng, với 9 dự án, tổng chiều dài 211,6 km. Trong đó hệ thống đường Quốc lộ trên địa bàn tỉnh được Bộ Giao thông - Vận tải giao cho Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư có 5 dự án, đó là Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, đường nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc, Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình; Quốc lộ 12B đã và đang triển khai xây dựng, với tổng chiều dài gần 135 km, tổng mức đầu tư 10.083 tỷ đồng. Đến nay 3 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng là Quốc lộ 10, Quốc lộ 1A, giai đoạn I của dự án đường nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc với tổng số vốn đã bố trí cho các dự án là 6.726 tỷ đồng… Những dự án này không chỉ tạo nên những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mà còn kết nối, trung chuyển cho toàn khu vực trọng điểm kinh tế trong khu vực và toàn quốc; làm thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực cũng như trong tỉnh.
Để phù hợp với quy hoạch đô thị và định hướng phát triển của tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tuyến đường Quốc lộ 38B đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đây là tuyến đường tỉnh trước đây, nay đã được nâng cấp lên thành quốc lộ với chiều dài khoảng 22,5 km, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục giao cho Sở làm chủ đầu tư, lập đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với hệ thống đường tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 4 dự án (ĐT477B, ĐT480, ĐT481, ĐT477C) với tổng chiều dài khoảng 77 km, tổng mức đầu tư 2.676 tỷ đồng, đến nay 3 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng là ĐT480, ĐT481, ĐT477C.
Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và việc quy hoạch hợp lý đã góp phần thu hút đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông Ninh Bình đã có những đổi thay lớn. Toàn tỉnh đã có 178,2 km quốc lộ, trong đó có 106.59 km đường quốc lộ ủy thác gồm 5 tuyến và Quốc lộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý qua địa phận Ninh Bình có tổng chiều dài 71,6 km; đường tỉnh với 21 tuyến có tổng chiều dài 283,1 km; đường huyện có 349,5 km; đường đô thị với tổng chiều dài 525,2 km...
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá của ngành Giao thông - Vận tải trong thời gian tới là tranh thủ nguồn vốn để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các công trình giao thông trọng điểm trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và tạo thuận lợi cho việc kết nối, giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm mời gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ. Khai thác có hiệu quả ngành vận tải nội địa, chú trọng kết nối các loại hình giao thông như đường sắt, đường thủy nhằm giảm sức ép cho vận tải đường bộ.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát điều chỉnh bổ sung chiến lược phát triển giao thông vận tải cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2030 và các năm tiếp theo nhằm giảm lưu lượng vận tải hàng hóa lưu thông trong thành phố, góp phần xây dựng thành phố du lịch Ninh Bình xanh - sạch - đẹp.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm