Đa dạng các hình thức quảng bá
Trong những năm gần đây, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Thủ đô luôn quan tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, để hình ảnh du lịch Hà Nội đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Mặc dù nguồn kinh phí dành cho công tác này chưa lớn, song ngành du lịch tận dụng cao nhất mọi phương thức quảng bá đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến Thủ đô. Nhiều buổi xúc tiến giới thiệu tiềm năng du lịch độc lập và kết hợp, nhiều chương trình hội chợ du lịch, liên hoan du lịch, nhiều kỳ họp quốc tế về du lịch... được ngành du lịch thành phố tổ chức hoặc tham gia.
Trong hai năm 2013 - 2014, ngành du lịch thành phố tổ chức, tham gia nhiều hoạt động như: Năm Du lịch quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng, Năm Du lịch Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, phối hợp huyện Mỹ Đức tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương và sắp tới là Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội... Thông qua các hoạt động đó đã giới thiệu được tiềm năng du lịch tự nhiên, văn hóa lịch sử, nhân văn, làng nghề, ẩm thực... những tour, tuyến du lịch, các dự án kêu gọi đầu tư du lịch... Không ít những thỏa thuận hợp tác giữa ngành du lịch thành phố với các địa phương trong cả nước, giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau, giữa thị trường du lịch trong nước và nước ngoài được ký kết tại các kỳ liên hoan, hội chợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng, ngoài thị trường trong nước, ngành du lịch Hà Nội đặc biệt quan tâm việc quảng bá hình ảnh Thủ đô đến các thị trường trọng điểm trên thế giới. Các kỳ họp tại Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á, Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 đều được thành phố tham gia thường xuyên. Ngành du lịch Hà Nội cũng quan tâm quảng bá tại những thị trường trọng điểm như Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Âu và ASEAN... Ngành du lịch còn tổ chức các đoàn khảo sát của doanh nghiệp lữ hành nước ngoài, các đoàn báo chí đến khảo sát du lịch Hà Nội và vùng phụ cận. Hà Nội cũng quảng bá trên các website du lịch uy tín của thế giới như Trip Advisor, Smart Travel Asia, quảng bá trên một số kênh truyền hình Nga...
Chính vì vậy, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng tăng. Năm 2013, có 2,5 triệu lượt khách, chiếm khoảng 30% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Không ngừng nâng cao chất lượng các tour du lịch
Phó trưởng Ban Khách quốc tế và nội địa - Câu lạc bộ Lữ hành Hanoi UNESCO Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty Asialand Travel Từ Thị Mỹ Hạnh khẳng định: "Hiện Hà Nội là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch của hầu hết khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Du khách thường có nhận xét, tham quan ở Hà Nội cảm nhận được sự thanh bình, giản dị, nhịp sống chậm hơn so với những thành phố khác và họ thích đến Hà Nội hơn". Chính vì vậy, cùng với tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, Hà Nội cũng quan tâm nâng cao chất lượng du lịch gồm chất lượng sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Hà Nội. Trong đó, việc khai thác tiềm năng xây dựng những sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm đến truyền thống được ưu tiên hàng đầu. Bởi đó là điều kiện cần để làm cơ sở thu hút khách đến tham quan Thủ đô. Hiện, thành phố đang quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành Khu du lịch quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông và các loại hình phương tiện vận chuyển khách phục vụ phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngành du lịch đang xây dựng đề án phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng, phục vụ phát triển du lịch bền vững tại huyện Gia Lâm và Sóc Sơn, đề án phát triển du lịch cộng đồng khu vực Ba Vì, đề án nâng cấp điểm đến, khai thác phát triển du lịch làng cổ Đông Ngạc tại quận Bắc Từ Liêm, khai thác các chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch... Dưới góc độ người làm lữ hành, bà Từ Thị Mỹ Hạnh đánh giá: Hà Nội luôn có sự đa dạng hóa sản phẩm, liên tục đổi mới sản phẩm du lịch, giá tham quan ổn định là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giữ giá tour, thu hút khách nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Ngành du lịch Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động du lịch nếu có xảy ra. Ngoài ra, ngành tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, tăng cường trao đổi khách hai chiều, đầu tư du lịch... Thời gian gần đây, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng... Năm 2014, Hà Nội phấn đấu đón 14 triệu lượt khách du lịch trong nước, 3 triệu khách du lịch quốc tế. Lãnh đạo Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: Nếu triển khai tốt các nhiệm vụ trên, chắc chắn ngành du lịch sẽ khai thác tối ưu các tiềm năng, thế mạnh của mình, phát triển hiệu quả và bền vững, từng bước đưa Hà Nội trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới và trong khu vực.
Nguồn: nhandan.org.vn