Tham dự hội thi có 16 đội thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và các đơn vị trực thuộc Bộ y tế với trên 300 thí sinh là cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế. Tại hội thi, các đội tuyển tham gia được chia làm 3 nhóm thi, mỗi nhóm sẽ lần lượt trải qua 3 phần thi, bao gồm: Phần thi Chào hỏi, phần thi Kiến thức và phần thi Năng khiếu. ở phần chào hỏi, mỗi đội có từ 5-7 phút để giới thiệu về thành viên của đội mình; mô hình và các hoạt động, kết quả của đơn vị trong tuyên truyền, thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời nêu bật thông điệp gửi đến Hội thi. ở phần kiến thức, mỗi đội được bốc thăm một câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra, cả đơn vị thống nhất trả lời, hoặc cử đại diện thuyết trình về quan điểm của đội mình trong vòng 5 phút. Với phần thi kiến thức, các thí sinh không chỉ thể hiện hiểu biết của mình về các quy định trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm mà còn phải nêu bật được các nội dung liên hệ của bản thân đối với tình huống đó. Riêng phần thi năng khiếu đòi hỏi các đội phải xây dựng tiểu phẩm, thơ, ca, kịch ngắn, kịch vui... theo hình thức sân khấu hóa, đúng nội dung về thực thi Luật, xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc lá.
Trong phần thi kiến thức, các đội đã vận dụng các điều, khoản luật để thông tin đến người xem những kiến thức cơ bản của luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, những hành vi xử phạt cho người hút, người bán.., từ đó nâng cao ý thức cho người dân về hút thuốc lá, góp phần giảm các bệnh do thuốc lá mà hiện nay đang chiếm 30% trong tổng số nguyên nhân gây ra các loại ung thư ở người, với khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm. Thông điệp mà các đội tuyển gửi đi là, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, từ đó tạo thành gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Qua phần thi này, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về những hậu quả mà thuốc lá gây nên cho con người được nâng lên, từ đó sẽ có những định hướng cho bản thân mỗi người và gia đình tránh xa thuốc lá.
Sôi nổi hơn cả là phần thi năng khiếu của 16 đội thi. Hầu hết các đội tuyển đều quan tâm, chú trọng và dày công đầu tư xây dựng kịch bản, trang phục, đạo cụ, âm thanh, với lối diễn xuất không trùng lắp, tạo nên sự đa dạng và màu sắc riêng, đặc trưng của từng đơn vị, từ đó nhiều phần thi để lại ấn tượng sâu sắc đối với Ban giám khảo cũng như người xem. Các tiểu phẩm, hát, múa... đã mang đến rất nhiều những cung bậc cảm xúc: Đó là những tiết tấu sôi động, những giây phút lắng đọng, suy ngẫm, là tiếng cười và cả những giọt nước mắt... do thuốc lá gây ra. Tiêu biểu như các tiểu phẩm: "Thức tỉnh", "Bỏ, bỏ, xin thề", "Giã từ khói ám", "Niềm vui không trọn vẹn", "Có cho hôn không",… đã khắc họa chân thực về tác hại của thuốc lá đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, nhằm chuyển tải một thông điệp đến với mọi người hãy dừng lại trước khi quá muộn, vì một môi trường, cuộc sống tốt đẹp không khói thuốc.
Đội tuyển của Sở Y tế Ninh Bình có 20 thành viên, là các y, bác sĩ đến từ các bệnh viện trong tỉnh, là những tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị mình. Tại hội thi, các y, bác sĩ đã có những phần thi chào hỏi, thi hiểu biết và năng khiếu xuất sắc, chuyển tải sinh động, dễ hiểu về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, quy định cấm hút thuốc và các hình thức xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá; tác hại của thuốc lá với sức khỏe bản thân và người xung quanh; các bệnh liên quan đến thuốc lá, được Ban giám khảo và người xem cổ vũ, đánh giá cao.
Sau một ngày diễn ra, Hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức Hội thi khu vực 2 đã trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 7 giải khuyến khích cho các đội tuyển tham gia. Đồng thời trao 3 giải phụ xuất sắc cho 3 phần thi, gồm phần thi Chào hỏi xuất sắc nhất; phần thi Kiến thức xuất sắc nhất và phần thi ứng xử xuất sắc nhất. Đội tuyển tỉnh Ninh Bình đạt giải nhất cùng với các đội giải nhì sẽ tham gia vòng chung kết Hội thi cấp ngành vào tháng 5/2017 tại Hà Nội.
Bác sĩ CKII Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì xây dựng Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, nên việc cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Y tham dự hội thi truyên truyền Luật, phòng chống tác hại thuốc lá là một hình thức tuyên truyền tốt nhất tới cộng đồng phòng chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các tiết mục, phần thi đã thể hiện đúng chủ đề về truyền thông Luật PCTHTL, có sức lan tỏa lớn, mang đến những thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Bên cạnh đó, qua hội thi thể hiện các đơn vị đã triển khai tốt Quyết định 2151 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh", các thí sinh đã thể hiện tốt kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng truyền thông... Đồng thời đây cũng là sân chơi lành mạnh, bổ ích để công chức, viên chức và người lao động được gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình đoàn kết giữa các đơn vị, góp phần tích cực vào việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của Ngành.
Hạnh Chi