Đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký thất nghiệp, được cán bộ tư vấn phương án học nghề theo quy định mới của Chính phủ, anh Lưu Văn Độ (thành phố Tam Điệp) quyết định đăng ký học nghề lái xe. Với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, anh Độ hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để học xong tấm bằng lái xe ô tô hạng B2 mà không tốn thêm quá nhiều chi phí. "ở độ tuổi ngoài 30 như tôi đi xin làm công nhân ở các nhà máy là khá khó khăn. Được nhà nước hỗ trợ học nghề mới, sau khi hoàn thành khóa học có bằng lái xe, tôi dự định sẽ xin việc làm tại các hãng taxi hoặc các công ty vận tải tư nhân"- anh Độ chia sẻ. Anh Độ là 1 trong 8 trường hợp lao động thất nghiệp được nhận hỗ trợ tham gia các khóa học nghề theo chính sách về BHTN do Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn trong thời gian qua. Tuy vẫn còn khiêm tốn, song so với các năm trước thì kết quả này được đánh giá là một sự chuyển biến.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Theo Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do quỹ BHTN chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề. Dù vậy, trên thực tế những năm qua người lao động mới chỉ quan tâm đến việc được chi trả trợ cấp bao nhiêu tiền chứ thực sự chưa quan tâm đến việc học nghề để chuyển việc làm mới.
Sở dĩ có thực trạng trên là do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, giày da, xây dựng… Số lao động này qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người lao động bị thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề mới.
Theo quy định, người bị thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng và thời gian học là 3 tháng. Nhưng phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Bởi thế, mà người lao động thất nghiệp còn rất thờ ơ với công tác dạy nghề. Có năm không có một lao động thất nghiệp nào đăng ký học nghề.
Vậy nhưng, đầu năm 2015, khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề mới cho lao động đăng ký tham gia BHTN chính thức có hiệu lực, số lao động đến đăng ký thất nghiệp quan tâm và tham gia học nghề đã có chuyển biến.
Nguyên nhân, là do quy định mới đã gỡ bỏ sự chênh lệch, bất cập giữa mức hỗ trợ học nghề dưới 3 tháng và trên 3 tháng trước kia, thống nhất chỉ có hỗ trợ 1 nghề duy nhất đối với mỗi lao động, đồng thời tăng mức tiền đối đa lên 1 triệu đồng/tháng (không quá 6 tháng) tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề theo quy định của cơ sở dạy nghề. Điều này đã mở ra thêm nhiều cơ hội học nghề thiết thực, tạo sức hút đối với người lao động thất nghiệp.
Và trên thực tế, người lao động đã có sự quan tâm hơn tới công tác đào tạo nghề bên cạnh việc tìm hiểu kỹ lưỡng về chính sách BHTN. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm, từ đầu năm tới nay đã có hơn 4 nghìn lao động đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để được tư vấn học nghề và chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp.
Đại đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông. Bởi vậy, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống nên chính sách hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp nếu được thực hiện tốt sẽ thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh cho người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiểu đúng và đủ về BHTN, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh luôn chủ động liên kết với các cơ sơ dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp.
Trung tâm cũng đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận các doanh nghiệp và người lao động. Và quan trọng hơn, mỗi người lao động cần chủ động tận dụng cơ hội này để học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường lao động.
Nguyễn Hùng