Đã từ lâu thả diều trở thành một trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích, gắn liền với những ký ức tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ trẻ em vùng nông thôn. Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, những nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ đua nhau mọc lên đã làm giảm đi đáng kể không gian thoáng đãng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả những vùng nông thôn. Trò chơi thả diều cũng vì thế mà dần mai một, nhường chỗ cho những trò chơi hiện đại như Game online, Facebook…
Trong một lần về xã Sơn Hà (Nho Quan), tôi vô tình bắt gặp một đám trẻ khoảng hơn chục đứa đang chơi thả diều. Hình ảnh ấy khiến tôi vô cùng thích thú và bất chợt những ký ức tuổi thơ như tràn về. Mỗi hình ảnh trôi qua trước mắt đều mang một thông điệp sâu sắc về cuộc sống và hình ảnh cánh diều lưng trời cũng khiến trong tôi có nhiều suy ngẫm về hiện tại. ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi đó là sân chơi dành cho trẻ em bây giờ ít quá, các em đổ dồn vào những trò chơi trên mạng và chính những trò chơi game online có tính bạo lực ấy đã phần nào "bóp chết" tâm hồn trẻ thơ của các em, khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, thậm chí có những trường hợp để lại hậu quả đau lòng. Đang mải suy ngẫm, bỗng một cái vỗ vai của ai đó khiến tôi giật mình, thì ra là bác Thịnh, Bí thư chi bộ thôn Quỳnh Phong 2. Bác đang dẫn hai đứa cháu đi thả diều. Sau một vài câu chào hỏi xã giao tôi hỏi: Sao nay bác rảnh đi ra đây thả diều thế? Bác cười nói: "Thì giờ này song hết công việc rồi, thấy dạo gần đây mấy đứa cháu cứ đòi mua diều đi thả nên nay tôi cũng ra xem thế nào, không ngờ cũng đông người thả diều vậy". Khoảng một lúc sau tôi bắt đầu thấy cũng có nhiều phụ huynh dẫn con em mình đi thả diều. Tìm hiểu kỹ hơn tôi được biết nhiều người dân vùng nông thôn mong muốn con em mình có một sân chơi lành mạnh với những trò chơi dân gian bổ ích nên cứ sau một ngày đi làm về là họ lại dẫn con đi thả diều.
Điểm mọi người tập trung thả diều ở xã Sơn Hà là sân bóng Quỳnh Phong, một bãi đất rộng và có một khoảng không gian thoáng đãng, đối tượng phần đông là những em nhỏ từ 6 đến 10 tuổi. Có những thanh niên trong thời gian chờ đá bóng cũng sắm cho mình chiếc diều với đủ những hình thù, màu sắc để thả. Khoảng thời gian từ 17h30 đến 18h30 hàng ngày, sân bóng Quỳnh Phong trở nên đông đúc và nhộn nhịp như một ngày hội. Đa phần những cánh diều mà đám trẻ sử dụng là hàng mua sẵn được làm bằng nilon nhiều màu sắc, hình dáng bắt mắt. Nhưng cũng có những con diều được các em tự tay làm bằng giấy rất khéo, với những tiếng sáo vi vu. Trong khoảng không gian ấy, tôi bỗng thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm lạ thường, những vất vả và áp lực dường như tan biến, những suy nghĩ âu lo dường như bị gạt qua một bên nhường chỗ cho những kỷ niệm tuổi thơ tràn về.
Ngày nay việc thả diều hay những trò chơi dân gian dành cho trẻ em đang ngày càng ít đi một phần do chương trình học trên lớp, học thêm, áp lực thi cử đang ngốn khá nhiều thời gian thư giãn, giải trí của các em học sinh. Mặt khác, những phương tiện giải trí nghe, nhìn hiện đại như trò chơi điện tử, truyện tranh, Game online đã khiến nhiều trẻ em không mấy mặn mà với những cánh diều hay những trò chơi truyền thống. Xã hội phát triển, trẻ em ngày nay cũng có đầy đủ những điều kiện về vật chất cũng như khoa học để phát triển tài năng, tuy nhiên ngoài việc phát triển trí tuệ thì việc "gieo" những hạt giống tâm hồn, những ước mơ khát vọng cũng là một việc không thể bỏ qua. Để làm được điều này, trước hết cần tạo cho các em những sân chơi bổ ích để thư giãn, vui chơi lành mạnh.
Thiết nghĩ việc bảo tồn và lưu giữ trò chơi thả diều là một việc làm cần được nhân rộng, bởi đây là một trò chơi dân gian truyền thống có tính giáo dục cao, gieo vào lòng con trẻ những ươc mơ, khát vọng cao đẹp. Để làm được điều này các cấp chính quyền cần có những định hướng tuyên truyền và những việc làm cụ thể như thành lập các CLB thả diều hay những CLB trò chơi truyền thống. Có như vậy thì tâm hồn con trẻ thơ mới được hình thành cùng những ước mơ bay cao, bay xa như những cánh diều trên bầu trời xanh.
Đàm Văn Nghị