Nhiều triển vọng
Liên tiếp đạt các giải nhất, nhì cuộc thi "Gạo ngon thế giới" các năm 2019, 2020 tại Philipines và Mỹ, với những ưu điểm vượt trội về sức chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng, giống lúa ST25 có sức hút mạnh trên thị trường. Nhiều địa phương lựa chọn ST25 để đưa vào sản xuất tuy nhiên không phải nơi nào cũng thành công. Năng suất thấp, tỷ lệ hạt lép cao là tình trạng phổ biến khi cấy giống lúa này ở các tỉnh phía Bắc.
Tại huyện Kim Sơn, ngay từ vụ Đông Xuân 2019-2020, HTX nông nghiệp Cộng Thành, xã Chất Bình đã triển khai mô hình trình diễn, đánh giá giống lúa thuần ST25 với quy mô 0,5 héc ta. Sau đó, tiếp tục theo dõi nhân rộng ra vụ Mùa 2020. Những đánh giá ban đầu cho thấy ST25 có khả năng thích ứng và khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Kim Sơn. Tuy nhiên, do là giống lúa mới, nguồn cung ứng giống trên thị trường chưa rộng rãi, người dân tự mua ngoài thị trường tự do, rồi tự để giống, truyền tay nhau, dẫn đến độ đồng đều không cao, có hiện tượng phân ly, lẫn giống, năng suất không đạt như mong muốn.
Khắc phục vấn đề này, vụ Đông Xuân 2020-2021, được sự hướng dẫn, giúp đỡ từ Chi cục Trồng trọt&BVTV tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, sau khi tìm mua được 500 kg giống lúa chuẩn, cấp "xác nhận 1" và thực hiện quy trình gieo cấy, chăm sóc một cách bài bản thì ST25 đã mang lại một vụ mùa bội thu ngoài sức mong đợi của người dân, xã viên HTX nông nghiệp Cộng Thành.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa ST25 vàng ươm, trĩu hạt, đều tăm tắp đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX tự hào: Mặc dù đây là giống lúa mới, có nguồn gốc trong miền Nam, chưa hề có nghiên cứu chính thức nào về quy trình canh tác trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở miền Bắc, đặc biệt với điều kiện thời tiết lạnh trong vụ Đông Xuân, nhưng sau 3 vụ thử nghiệm, chúng tôi đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật canh tác. HTX đã gặt thống kê, năng suất vụ này đạt tới 69 tạ/hécta, cao hơn giống đối chứng Bắc thơm số 7 là 14 tạ/hécta.
Không giấu nổi niềm vui khi cấy 1 mẫu lúa ST25 và trúng lớn, ông Trần Văm Tụy, xóm 9, xã Chất Bình nói: Có lẽ vì điều kiện thổ nhưỡng của Kim Sơn có nhiều điểm tương đồng với Sóc Trăng nên lúa ST25 đưa ra đây cấy sinh trưởng, phát triển rất khỏe, cứng cây, đanh dảnh. Về sâu bệnh hại thì đặc biệt yên tâm, với sâu cuốn lá nhỏ, rầy, khô vằn, bạc lá hay đạo ôn lá… giống lúa này chỉ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng đến năng suất.
Còn theo đánh giá của ngành chuyên môn huyện Kim Sơn, ST25 nằm trong nhóm giống lúa thơm đặc sản chất lượng cao, thích nghi trên đất mặn rất tốt. Giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, thời gian đẻ nhánh tập trung; khả năng chống chịu sâu bệnh khá; lá đồng vươn cao, dạng lòng mo, bông lúa trỗ thoát, khoe bông, xếp hạt thưa, số hạt/bông cao, chịu được thâm canh, phù hợp với đồng đất và tập quán canh tác của nông dân trong huyện. Trong cùng một điều kiện sản suất giống ST25 cho năng suất cao hơn các giống lúa thuần mà nông dân đang sản xuất đại trà.
Tiến tới làm giàu
Khi năng suất, chất lượng gạo được khẳng định, cùng với trải nghiệm thực tế qua 3 vụ sản xuất, huyện Kim Sơn nói chung và các HTX ở xã Chất Bình nói riêng đang có định hướng và sự chuẩn bị ngay từ bây giờ cho mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ST25 theo hướng hàng hóa, tập trung, hữu cơ, cung cấp gạo cho người tiêu dùng phía Bắc.
Ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX nông nghiệp Cộng Thành cho biết thêm: Với đặc tính thơm, ngon của dòng gạo ngon nhất, nhì thế giới, gạo ST25 thời gian qua được người tiêu dùng quan tâm và chào đón. Hiện tại, các thương lái đang tìm mua lúa của chúng tôi với giá lên tới 15 nghìn đồng/1kg, cao hơn giá lúa Bắc thơm số 7 là 5-7 nghìn đồng/1kg nhưng bà con không có lúa để bán. Như vậy, nếu tính trên 1 hécta sản xuất, bà con đạt doanh thu lên tới 103,5 triệu đồng, cao gần gấp đôi lúa thường. Trong khi đó, không phải vùng đất nào cũng cấy được ST25 cho chất lượng gạo ngon, do vậy, nông dân chúng tôi hoàn toàn có thể tiến tới làm giàu từ giống lúa này. Trước mắt, HTX sẽ gắn kết, tập hợp những nông dân thực sự muốn thực hiện theo mô hình này, để có vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho người tiêu dùng.
Ông Trần Đại Nguyên, xóm 7, xã Chất Bình không giấu khỏi niềm vui: "Thu hoạch 2,3 tấn lúa với giá bán 15 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng, gia đình tôi mừng lắm. Chưa khi nào trồng lúa mà chúng tôi có thu nhập cao như thế này. Chắc năm tới bà con nơi đây sẽ mở rộng cấy giống lúa này. Nếu thời tiết thuận lợi hơn, nông dân chủ động hơn trong chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, gieo cấy lúa theo hướng hữu cơ nữa thì tương lai chúng tôi làm giàu từ giống lúa này là chắc chắn".
Được biết, những vụ sản xuất tới đây, xã Chất Bình dự định sẽ mở rộng quy mô cấy giống lúa ST25 ra khoảng trên dưới 300 hécta (chiếm khoảng 80-90% diện tích). Về nguồn lúa giống sẽ có 2 nguồn: một là chọn lọc từ 18 hécta "giống xác nhận 1" cấy trong vụ Đông Xuân vừa qua để cấy, hai là nhập từ các cơ sở sản xuất giống uy tín về.
Ngoài ra, chính quyền địa phương khẳng định sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, nhất là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Các cơ quan chuyên môn cũng đồng hành hướng dẫn nông dân về thời vụ, cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh; theo dõi, chọn lọc, đánh giá độ thuần của giống và khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh ở các vụ sau. Hy vọng, trong tương lai gần, người dân Ninh Bình sẽ sớm được thưởng thức loại gạo ngon nhất thế giới được sản xuất ngay tại địa phương mình với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Nguyễn Lựu