Không quản ngại đường xa, lại thêm chứng say xe khi đi ô tô, nhưng chị Nguyễn Thị Thủy Mai, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) vẫn cùng đoàn do Hội phụ nữ phố tổ chức về đất Tổ dâng hương.
Chị Mai cho biết: Đã thành thông lệ, năm nào tôi cũng hành hương về đất Tổ, không nhất thiết phải đúng ngày 10-3, thường chúng tôi đi trước ngày Tổ một vài hôm. Năm nay cũng vậy, mùng 4 và 5/3 AL vào đúng thứ 7 và chủ nhật, chị em trong đoàn hối hả sắm lễ lên đường. Tròn một năm trở lại, đất Tổ ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.
Năm nay, Đền Hùng được Nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo đền, đài, các công trình hạ tầng… Khu vực chân núi Đền Hùng, các quán hàng bán đồ lưu niệm, sản vật của Phú Thọ được bố trí ngăn nắp, người bán hàng vui vẻ, thân thiện.
Chương trình nghệ thuật trong Lễ hội Đền Hùng.
Quanh Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, cây cối tốt tươi, cầu đá cong cong đẹp mắt, hồ nước lớn trong mát… Đặc biệt là Quảng trường Trung tâm hành lễ ngay dưới chân núi Hùng được hoàn thiện to đẹp, hoành tráng, bên cạnh là bức tranh gốm màu (lớn nhất Việt Nam) với chủ đề "Ngày hội non sông trên đất Tổ", tạo cảnh quan đẹp mắt và linh thiêng… xứng đáng là nơi thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
Ông Nguyễn Văn Toàn, phố Phúc Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) lại quê gốc ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lớn lên ông đi bộ đội, ra quân về công tác tại Viện Quân y 5, lập gia đình rồi gắn bó với vùng đất Ninh Bình. Hội Đền Hùng năm nào ông cũng cùng gia đình trở về, đúng vào ngày chính hội.
Theo ông, vì công cuộc mưu sinh, mỗi năm gia đình ông cũng chỉ về quê từ 3-4 lần, và có thể "lỗi hẹn" dịp nào đó chứ giỗ Tổ thì không thể không về. Ông Toàn bảo, 10/3 AL là ngày Quốc giỗ, nên không có cớ gì một người con xa quê lại không trở về với tổ tiên của mình. Vậy là hàng chục năm nay, gần ngày giỗ Tổ, gia đình ông lại náo nức sắm sửa lễ vật, quà đặc sản Ninh Bình" về thắp hương tưởng nhớ Vua Hùng và cùng anh em, bạn hữu, họ tộc sum vầy, hàn huyên…
Ông Toàn cho biết, điều ông phấn khởi và tự hào nhất là sự đổi thay nhanh chóng theo hướng tích cực của lễ hội Đền Hùng. Là lễ hội lớn, mang tầm Quốc gia nên những ngày trước, trong và cả sau lễ hội, có hàng triệu du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về trẩy hội, nhưng vài năm gần đây, qua những lần đều đặn về dự hội, ông nhận thấy, những hành vi không đẹp mắt, không văn minh như chặt chém, ép giá du khách, vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông… ngày càng được các cấp, các ngành, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ chỉ đạo triển khai và thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm, làm an lòng du khách khi về trẩy hội Đền Hùng…
Không có điều kiện đi và đến tận nơi để chứng kiến chương trình phần lễ và phần hội hoành tráng, vui tươi, hào hùng và linh thiêng của Lễ hội Đền Hùng, ông bà Trần Văn Tuất, Nguyễn Thị Thảo, xã Ninh Vân (Hoa Lư) lại có cách hướng về cội nguồn riêng của mình.
Ông Tuất cho biết, ngay từ thời trai trẻ, khi ông còn phục vụ trong quân đội, không hiểu sao trong hàng trăm, hàng nghìn tấm ảnh Bác Hồ ngồi nói chuyện, động viên, sinh hoạt… cùng cán bộ, chiến sĩ ở khắp các đơn vị, mặt trận trên chiến trường từ Nam ra Bắc, ông lại ấn tượng với bức ảnh Bác Hồ ngồi trên những bậc tam cấp rêu phong nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 16 tại Đền Hùng (Phú Thọ) như vậy.
Lời Bác động viên, nhắn nhủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", câu nói là lời động viên, nhắn gửi riêng cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong, là nguồn động viên tinh thần cho lớp lớp thế hệ bộ đội và toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đoàn kết, không quản ngại hi sinh, giành độc lập, tự do cho dân tộc…
Giờ đã vào tuổi "xưa nay hiếm", không có điều kiện đi đến tận nơi "nhìn tận mắt, nghe tận tai" các nghi lễ, hoạt động trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng ông bà Tuất coi ngày 10/3 AL như là một ngày giỗ của tổ tiên nên năm nào cũng sắm sửa đĩa hoa tươi, gói bánh ngọt, nếu con cháu có điều kiện sum họp, ông bà còn làm một mâm cơm trước là kính lên tổ tiên, sau là ông bà, con cháu hưởng lộc…
Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013, lễ hội năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì với nhiều điểm mới. Theo đó, Lễ hội diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 13 đến ngày 19/4 (tức ngày 4 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch), tăng một ngày so với những năm trước. Lễ hội gắn liền với chương trình tôn vinh, đón Bằng của UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Nét mới nữa là Lễ hội năm nay có sự tham gia của 8 tỉnh ở Bắc - Trung - Nam gồm: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Bình Định, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Phú Thọ tổ chức lễ giỗ Tổ…
Phần Lễ sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể mang tính cộng đồng gắn với hoạt động tôn vinh các di sản văn hóa, trong đó trọng tâm là Lễ tôn vinh, đón bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013. Tiếp đó là Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dâng lễ vật của các tỉnh góp giỗ và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch.
Phần Hội được diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại như: Tổ chức rước kiệu của các xã, phường về Đền Hùng; Triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng"; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Lễ hội văn hóa dân gian đường phố của 13 huyện, thành, thị với chủ đề "Văn hóa đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng"; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương; Giải quần vợt Hữu Nghị Hùng Vương; Hội thi bơi chải trên sông Lô; Hội chợ Hùng Vương và tổ chức bắn pháo hoa tầm cao….
Mở đầu trong chuỗi chương trình lễ hội, tối 13/4 (mùng 4/3 AL) diễn ra Lễ tôn vinh, đón Bằng UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội đất Tổ Hùng Vương" và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013 với trên 1.300 người tham gia, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tại Sân Trung tâm lễ hội - Khu di tích Đền Hùng.
Sau lễ đón Bằng công nhận là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1: Dòng giống Rồng-Tiên - Thiêng liêng hai tiếng "Đồng bào"; Chương 2: Hành trình tâm linh về nguồn cội, tri ân Quốc Tổ Hùng Vương và Chương 3: Phú Thọ - Mùa xuân linh diệu của non sông.
Chương trình Lễ tôn vinh, đón nhận Bằng công nhận của UNESCO với nhiều loại hình nghệ thuật đã quảng bá những nét di sản văn hóa thời đại các vua Hùng, thể hiện tấm lòng tri ân công đức đối với các vua Hùng và trách nhiệm của dân tộc Việt Nam với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại.
Mỹ Hạnh