Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm là 1 làng nghề thủ công có lịch sử lâu đời. Tương truyền rằng nghề thêu xuất hiện từ khi Vua Trần thắng giặc Nguyên Mông, dân làng đã được bà Trần Thị Dung dạy cho cách chăn tằm, dệt vải, thêu thùa. Thế kỷ XX, trong làng có 2 anh em người dòng họ Đinh lên Hà Nội học thêm nghề thêu ren, rua của người Pháp về dạy cho dân làng, từ đó đến nay sản phẩm thêu tay của Văn Lâm đã phát triển mạnh mẽ.
Sản phẩm thêu tay của Văn Lâm đã được người dân tổ chức sản xuất và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, hàng năm doanh số đạt hàng chục tỷ đồng
Từ giá trị vật chất mà nghề thêu đem lại, những người thợ nơi đây luôn cố gắng nỗ lực để nghề truyền thống của cha ông được duy trì và phát triển. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, lòng yêu nghề và say mê với nghề, những người thợ thôn Văn Lâm tạo ra hàng nghìn mẫu mã với các dòng sản phẩm: ga trải giường, rèm cửa, khăn, đĩa, đồ trang trí nội thất...
Trong đó độc đáo nhất phải kể đến sản phẩm tranh thêu, chủ yếu là tranh về phong cảnh, quê hương, đất nước, góp phần tạo dựng uy tín và thương hiệu cho làng nghề.
Theo ông Vũ Thanh Luân, thôn Văn Lâm, nghề thêu cũng lắm gian truân và nghệ thuật thêu tay ở Văn Lâm là nghệ thuật độc đáo. Người thợ thêu phải có đôi bàn tay khéo léo, từng đường kim mũi chỉ đi đến đâu là thổi hồn vào sản phẩm đến đó. Mỗi một bức tranh, từng đường kim, mũi chỉ là sự gửi gắm tình cảm, tâm huyết với nghề của người thợ thêu.
Trong thời kỳ hội nhập, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để làm được những sản phẩm đẹp, người dân làng nghề luôn luôn đổi mới, hoàn thiện để sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, có độ tinh xảo cao, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng.
Nhờ đó mà sản phẩm thêu truyền thống của làng nghề Văn Lâm đã có mặt ở khắp các nước châu Âu, Nhật Bản, giúp bạn bè thế giới hiểu được vẻ đẹp của tâm hồn, cuộc sống, con người đất Việt.
Hiện nay thôn Văn Lâm có khoảng 250 lao động tham gia làm nghề và 10 nghệ nhân tiêu biểu đã được UBND tỉnh phong tặng nghệ nhân cấp tỉnh. Trên địa bàn thôn có 6 doanh nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất hàng thêu ren truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động của Ninh Hải và ở các địa phương lân cận.
Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác: gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện.
Hướng đi này không chỉ nhằm bảo đảm tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương trong thời điểm nông nhàn.
Hiện nay, sản phẩm thêu tay của Văn Lâm đã và đang được thị trường tiêu thụ tốt, hàng năm tổng doanh số xuất khẩu đạt từ 50 đến 80 tỷ đồng. Nghề thêu đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1% năm 2016, bình quân thu nhập đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.
Mặc dù nghề thêu truyền thống Văn Lâm được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, người dân cố gắng gìn giữ và phát triển nhưng trong xu thế phát triển xã hội hiện nay thì nghề thêu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút lượng lớn lao động trẻ tham gia, trong khi đó thế hệ kế cận ít người lựa chọn nghề thêu. Sự phát triển du lịch tại Ninh Hải đã khiến cho nhiều người bỏ nghề truyền thống để làm du lịch.
Theo số liệu sơ bộ, hiện nay số hộ làm nghề thêu chỉ chiếm khoảng 18% tổng số hộ của làng nghề và số lao động chiếm 16% trên tổng số lao động của thôn.
Theo ông Bùi Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, là làng nghề nằm trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ngay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Văn Lâm có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa nét văn hóa làng nghề cũng như những sản phẩm truyền thống đến gần hơn với du khách và bạn bè năm châu.
Do vậy, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Ninh Hải đã có nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời hàng năm xã sẽ phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề để tạo điều kiện dạy nghề cho người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Ninh Hải tiến hành quy hoạch chi tiết khu làng nghề thêu ren truyền thống, xây dựng khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển du lịch làng nghề nhằm quảng bá sản phẩm của làng nghề. Với những doanh nghiệp muốn mở rộng nhà xưởng xã sẽ tạo mọi điều kiện, nhất là về mặt bằng để đầu tư phát triển.
Về phía các doanh nghiệp và người dân làm nghề thêu, cần tập trung đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, nghiên cứu thiết kế đa dạng mẫu sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và xuất khẩu; mở rộng liên doanh, liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hồng Giang