Theo các cụ cao niên trong làng, rừng cọ tại thôn Quảng Hạ có diện tích rộng hơn 4 nghìn m2, mọc hoàn toàn tự nhiên nguyên thủy, ước tính đã có hàng trăm năm tuổi, bởi nhìn vào nhiều thân cây cọ xù xì, rêu phủ xanh ngắt, có cây bám đầy dương xỉ thành bụi lớn cho thấy cây đã tồn tại hàng thế kỷ. Bên cạnh những cây cọ già, những cây non tán lá xanh, búp nhỏ vẫn đang tiếp nối mọc bên cạnh những cây cọ già, nhân tiếp cho rừng cọ quê hương phát triển mãi.
Ông Phạm Văn Tý, thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng cho biết: Ký ức tuổi thơ của ông cùng các bạn đồng niên là những tháng ngày đi chăn trâu, chơi các trò chơi trẻ thơ dưới những tán cọ xanh mát. Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba, nhảy dây... được bao thế hệ trẻ em trong làng yêu thích và tham gia với sự vô tư, vui tươi nhất của lứa tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". "Không chỉ là nơi vui chơi của trẻ em, rừng cọ còn là nguồn thu nhập thêm cho nhiều hộ gia đình trong làng. Nhiều gia đình dùng lá cọ lợp mái nhà để mùa đông thêm ấm, mùa hè bớt oi bức. Những gia đình có sức người và khéo tay đã cắt lá cọ về làm chổi bán, thêm thắt cho việc mua sách, học hành của con cái... " - ông Tý cho biết thêm. Hiện trong thôn Quảng Hạ, ngoài gia đình ông Tý còn khoảng 5 hộ khác cũng gắn bó với nghề làm chổi cọ hàng chục năm nay.
Được biết, cây cọ nơi đây giống với cọ Thanh Hóa hơn là cọ ở vùng Phú Thọ, bởi thân cây cao, cứng, kẽ lá sâu, tay cọ bám chắc vào thân, khi đạt tới năm bảy chục năm tuổi tay cọ mới tróc hết, để lộ thân cây nhẵn như thân dừa, đồng thời tạo bầu ở ngọn. Qua hàng trăm năm, bất chấp mưa gió, bão giông, hạn hán, rét mướt, rừng cọ luôn xanh ngát, tốt tươi, sừng sững giữa đồng làng. Điều lý thú là khoảng chục năm gần đây, nhiều người dân thôn Quảng Hạ lại trồng cọ trong vườn nhà, xung quanh đường, ngõ nhà mình, thậm chí có những doanh nhân còn chọn cây cọ làm cây biểu tượng trồng nhiều tại tư gia của mình, bởi cọ sống lâu năm thành cổ thụ, thân mọc thẳng, rễ bám vững chắc vào lòng đất, lá xanh tốt bốn mùa, mưa lụt không làm úng gốc, bão gió không làm gãy đổ, có sức chịu đựng cho nhiều loài dây leo, chim chóc cư trú... Với những đặc tính ấy, cây cọ gắn bó và là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, được người dân nơi đây vun trồng, chăm sóc, khằng định tình yêu cây cọ và muốn giữ lại hồn quê qua những cây cọ này.
Ông Bùi Đức Khá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Thắng (huyện Yên Mô) cho biết, trước đây, khi chưa có người quản lý, rừng cọ từng bị người dân khai thác, chặt phá bừa bãi dẫn đến nhiều cây bị chết, nhiều khu vực trống cây. Trước những giá trị về tinh thần và kinh tế như vậy, hiện nay, rừng cọ đang được chính quyền địa phương giao cho Hội Cựu chiến binh xã chăm sóc, bảo vệ. Hàng năm, các cựu chiến binh, cũng là những người con quê hương từng có tuổi thơ gắn bó với cây cọ lại chung sức trồng mới hàng trăm gốc cọ, cắt, tỉa những cành lá già, khô, chặt bỏ những cây cọ đã già, chết... Đồng thời giao cho Chi hội cựu chiến binh thôn Quảng Hạ trực tiếp kiểm tra, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây. Bên cạnh đó, các cấp Hội Cựu chiến binh trong xã cũng thường xuyên tuyên truyền đến mọi người dân nâng cao ý thức, không chặt phá, khai thác cọ bừa bãi, giữ gìn rừng cọ độc đáo của quê hương.
Theo những người dân thôn Quảng Hạ, trước đây, nhất là thời kỳ bao cấp, cây cọ có giá trị kinh tế khá lớn, với lá để lợp mái nhà, làm chổi, làm quạt mát, thân cọ được xẻ làm cầu, làm chuồng trâu, bò... Ngày nay, do sự phát triển của xã hội, không còn cảnh nhà lợp mái cọ, nhưng cây cọ vẫn được người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn. Về thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng hôm nay, đi trên những con đường làng thấp thoáng cây cọ xanh mướt, tươi tốt trong các vườn nhà, đường làng ngõ xóm, nhìn rừng cọ xòe tán rộng giữa cánh đồng bao la, nhận thấy cây cọ đã được người dân nơi đây gìn giữ, phát triển, trở thành người bạn thân thiết, nghĩa tình, tạo cho làng quê một nét đẹp, đặc trưng rất riêng, giúp cuộc sống nông thôn mới thêm dân dã, yên bình, tươi đẹp.
Hạnh Chi