Mặc dù mới sáng sớm ngày mùng 8 Tết, ngày chủ nhật còn lất phất mưa xuân nhưng đã có khá nhiều người dân đủ các thành phần xếp hàng chờ đến lượt được xin chữ. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết: Năm nay là năm thứ 3 chị cùng các con xếp hàng chờ xin chữ của Thượng tọa Thích Minh Quang. Cả 3 mẹ con đều háo hức được xin những chữ mà mình đã mong muốn và suy nghĩ trong năm mới sẽ phấn đấu để thực hiện và làm theo như các chữ Trí tuệ, Như ý và Bình an mà mình đã xin. "Đây là một phong tục đẹp được khôi phục lại vài năm nay, tôi thấy rất cần duy trì và lưu giữ, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay. Từ những con chữ được sư thầy trân trọng viết và trao tay, các cháu sẽ có ý thức tìm hiểu về truyền thống hiếu học của dân tộc; từ đó nỗ lực cố gắng để thực hiện những mong muốn mà mình hi vọng, gửi gắm vào đó…" - chị Nguyễn Thị Kim Yến chia sẻ thêm. Theo ông Nguyễn Tử Toàn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), những năm gần đây, tục xin và cho chữ đã được khơi gợi lại, là một nét đẹp cổ truyền nên rất cần được khuyến khích, duy trì vào những ngày đầu xuân năm mới. "Là người cao tuổi nên tôi thấy rất mừng khi nhiều phong tục đẹp truyền thống xa xưa đang được khôi phục lại và được thế hệ trẻ hưởng ứng, trân trọng giữ gìn, trong đó có tục xin và cho chữ đầu xuân. Nhiều năm nay, năm nào tôi cũng xin chữ Thuận để treo, vì tôi luôn cầu cho mọi việc được thuận lợi trong năm mới. Hơn thế, theo quan niệm của tôi, giấy đỏ, mực tàu cũng đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt, là những thứ đem lại may mắn cho bản thân và gia đình trong năm mới."
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban trị sự Hội phật giáo tỉnh cho biết: "Tục xin chữ và cho chữ trong những ngày đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Người xin chữ luôn tâm niệm cái chữ sẽ mang đến cho họ may mắn, ứng với những mong ước thành tâm. Và những ước muốn đó sẽ trở nên linh ứng khi con chữ được viết nên từ cái tâm của cả người xin và cho chữ. Là người khởi xướng hoạt động và nhiều năm nay tổ chức cho chữ tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, tôi rất mừng khi ngày càng có nhiều người dân đủ các thành phần đến xin chữ, trong đó có nhiều bạn trẻ và các cháu học sinh; khẳng định, thế hệ trẻ đã biết hướng đến những phong tục đẹp của cha ông xưa, trân trọng việc học, suy nghĩ về những điều tốt đẹp, lành mạnh… Mặc dù thời gian không nhiều, có đến hàng chục người xếp hàng chờ xin chữ nhưng khi viết, tôi không vội vàng viết để cho xong, mà thường vừa viết vừa giảng giải từng nét chữ cho người xin chữ để họ hiểu ý nghĩa của từng con chữ và phấn đấu làm theo, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống…"
Nói về ý nghĩa của thú chơi chữ đầu xuân, Thượng tọa Thích Minh Quang cho rằng, các chữ thường có ý nghĩa đối với từng đối tượng và lứa tuổi mỗi người, như đối với người lớn tuổi thì thường thích các chữ "Phúc"; "Lộc"; "Thọ" ; "An Khang" "Cát Tường", "Như ý"... nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Đối với các doanh nhân thì thích các chữ "Phát"; "Lộc"; "Tài" "Vượng".., mong cho công việc sản xuất, kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Các bạn thanh niên đang phấn đấu, thích chữ "Chí", chữ "Thành", chữ "Đạt", chữ "Đắc", chữ "Nhẫn". Còn các cháu thanh thiếu nhi thì thường được bố mẹ chọn cho các chữ "Học", "Hiếu", "Lễ"; "Nghĩa", "Tiến"…, mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội… Mỗi chữ thường ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc và mang một niềm tin, tâm tư, mong ước nào đó, nhưng tất cả đều hướng đến một cuộc sống may mắn, an lành, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho biết: Mỗi năm, vào đầu xuân năm mới, Hội khuyến học thường có nhiều hoạt động trong chương trình "Mùa xuân khuyến học" như khen thưởng, trao quà, tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, tuyên dương các gia đình, dòng họ hiếu học… Để các hoạt động trên diễn ra hiệu quả, các cấp Hội khuyến học đã tuyên truyền đẩy mạnh phong trào quyên góp, ủng hộ vào các Quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm không ngừng tăng số lượng quỹ, tạo điều kiện cho Quỹ hoạt động tốt. Được sự ủng hộ, phối hợp của Thượng tọa Thích Minh Quang, nhiều năm nay, với tấm lòng của mình, sư thầy đều dành thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí để duy trì hoạt động cho chữ và ủng hộ số tiền quyên góp được vào Quỹ khuyến học của tỉnh. Số tiền hàng chục triệu đồng quyên góp được và việc làm ý nghĩa của Thượng tọa đã góp phần động viên, hỗ trợ những học sinh nghèo vượt khó, học sinh học giỏi tiếp tục được quan tâm, trao thưởng kịp thời, nhân lên những việc làm ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố Ninh Bình và cả tỉnh.
Mỹ Hạnh