Mỗi độ Tết đến Xuân về, khách thập phương về Ninh Bình được tính bằng con số hàng triệu, hàng vạn người. Đặc biệt, với các lễ hội truyền thống vào mùa Xuân như lễ hội chùa Bái Đính, hội làng Báo Bản, hội đền Thái Vi, lễ hội Đinh Lê… đã và đang trở thành những lễ hội lớn trong tỉnh, trong nước, ngày càng được nhiều du khách tìm về. Việc tổ chức một mùa lễ hội đảm bảo an toàn, văn hóa, tiết kiệm là công việc đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng.
Mới 8h sáng mùng 4 Tết Giáp Ngọ, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, xã Gia Sinh (Gia Viễn) đã khá đông khách du lịch đến mua vé, đăng ký xuống đò tham quan. Không khí tại đây không chỉ đông vui, nhộn nhịp mà còn khá trong lành, tươi mới với tiết xuân ấm áp, nắng đẹp trải dài trên các ngọn núi tỏa bóng xuống dòng sông trong xanh.
Anh Trần Thông Thái, quê gốc tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), lập nghiệp tại Sài Gòn hơn 30 năm vui vẻ cho biết: Sau có hơn 3 năm lại trở về quê ăn Tết và trở lại nơi này, tôi nhận thấy mọi thứ đều đổi thay đến ngỡ ngàng. Trải qua gần 3h ngồi đò, chúng tôi được những cô, những chị lái đò nhiệt tình, cởi mở chỉ dẫn cụ thể về những di tích, những quả núi mang nhiều hình ảnh tượng trưng thật thú vị, độc đáo. Điều đáng quý hơn là không còn tình trạng bán hàng rong trong khu vực hoạt động du lịch, không xảy ra hiện tượng chèo kéo, nài ép khách chụp ảnh, mua hàng, cũng không còn tình trạng gợi ý hoặc xin tiền bồi dưỡng của khách...
Các thuyền tham gia chèo đò đều có thông báo công khai để khách biết được giá cả, đường đi đến các điểm tham quan, thời gian thực hiện tuyến du lịch. Điều chúng tôi khá hài lòng là công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể, nơi đây đang dần xây dựng được hình ảnh của một khu du lịch xanh, sạch, văn minh, thân thiện... tạo sự thoải mái, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan, thưởng ngoạn.
Sáng sớm ngày mùng 6 Tết Âm lịch, là ngày diễn ra Lễ khai hội chùa Bái Đính, có hàng vạn du khách đổ về Khu vực chùa nhưng tất cả khách tham quan, chiêm bái khá hài lòng vì đường sá đi lại thuận tiện, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cả khi đi lẫn khi về. Từng đoàn xe máy, ô tô nối đuôi nhau theo trật tự, hàng lối mang biển kiểm soát của rất nhiều tỉnh, thành phố về dự hội.
Bến xe ô tô rộng hơn 200 ha do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường quy hoạch tập trung và khu vực trông giữ xe máy có sức chứa hàng nghìn đến hàng chục nghìn chiếc ô tô, xe máy đã hạn chế tình trạng thiếu chỗ đậu xe cho khách tham quan.
Điều dễ nhận thấy trong mùa lễ hội năm nay là an ninh trật tự khu vực trong chùa tương đối đảm bảo, an toàn, không còn đối tượng người ăn xin, đổi tiền lẻ, bán hàng rong, chụp ảnh… Tất cả các dịch vụ này được sắp xếp, bố trí hợp lý vào từng khu vực, thuận tiện cho việc quản lý cũng như phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Đồng chí Lê Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Ngay từ trong năm, huyện Gia Viễn đã thành lập Ban chỉ đạo lễ hội du lịch, phân công các ca trực cụ thể cho các thành viên, chỉ đạo phối kết hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong quá trình thực hiện, yêu cầu các ban, đội có nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đảm bảo không chỉ giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực chùa mà còn ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng cố tình làm sai, làm trái quy định, đảm bảo mỹ quan và tạo sự yên tâm cho khách khi đến tham quan, chiêm bái.
Ngày khai hội chùa Bái Đính năm nay do thời tiết ấm áp nên lượng khách thập phương đến dự hội tương đối đông, ước tính lên tới hơn trăm nghìn lượt người. Chị Nguyễn Thu Thảo, huyện ý Yên (Nam Định) về dự lễ khai hội cho biết: "Ba bốn năm nay tôi đều đi đúng hội chùa Bái Đính. Năm nay đi thấy đường sá được tôn tạo lên nhiều, bài bản và đẹp hơn năm trước. Vệ sinh môi trường khu vực chùa đã sạch sẽ, gọn gàng; rác thải được bố trí các thùng đựng phù hợp và thu gom, vận chuyển xử lý kịp thời; ngay các nhà vệ sinh cũng được lắp đặt, bố trí hợp lý, tiện lợi… Khách đến tham quan hầu hết cũng đã có ý thức trước việc giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ cây cảnh, cảnh quan môi trường khu vực chùa. Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch tâm linh nổi tiếng và ngày càng chuyên nghiệp, văn minh, được đông đảo du khách chọn đến tham quan, chiêm bái mỗi khi Tết đến Xuân về…
Đại đức Thích Minh Quang, Phó Ban trị sự Hội phật giáo tỉnh cho biết: Để hình thành nét đẹp lễ hội đầu xuân năm mới, những người tu hành, nhà chùa và các sư luôn khuyến khích, tuyên truyền đến các tăng ni, phật tử và đông đảo người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội, du lịch. Người dân đi tham quan hay dự các lễ hội cần tìm hiểu, nắm bắt rõ ý nghĩa của lễ hội và giá trị của di tích nơi tổ chức lễ hội. Đặc biệt khi đến dự hội không chỉ cầu tài, cầu lộc cho bản thânmình mà còn cầu nguyện cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, cho mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có ý thức tìm hiểu để thấy được ý nghĩa lớn nhất của lễ hội là tôn vinh, tỏ lòng biết ơn các danh tướng, các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước...; không sa đà vào việc thắp nhiều hương, đốt nhiều tờ tiền, vàng mã… ảnh hưởng đến không khí và cảnh quan nơi thờ tự.
Hiểu được ý nghĩa, nét đẹp của các lễ hội, du khách sẽ có ý thức sống và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội. Chùa Bái Đính đã và đang hình thành thói quen cho người dân chỉ thắp hương tại các lư hương đặt trước cửa chùa chứ không thắp hương trong nội tự. Các điểm đặt hòm công đức, đặt tiền tiến cúng ở nơi thờ tự, các tượng phật cũng đã được bố trí hợp lý… tất cả đang dần đảm bảo cho một khu tâm linh văn minh, văn hóa.
Mỹ Hạnh