Trước năm 2005, gia đình anh Ngọc sinh sống bằng nghề nông, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất… cuộc sống của gia đình gặp bộn bề khó khăn.
Năm 2005, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện và Hội Nông dân vận động, gia đình anh Ngọc mạnh dạn dồn đổi 13 mảnh ruộng nhỏ của gia đình phân bố rải rác trên những cánh đồng về một khu với diện tích hơn 4.700m2 ở gần nhà để thuận lợi cho việc phát triển sản xuất. Sau đó, anh Ngọc vay vốn, thuê nhân công đào đắp, cải tạo khu đất để làm mô hình lúa - cá.
Do tích cực tìm hiểu, học hỏi, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào việc nuôi cá, cấy lúa nên năng suất lúa bình quân đạt khá cao, từ 6 tấn/ha trở lên; sản lượng cá đạt từ 1 - 1,5 tấn/năm. Từ đó, kinh tế gia đình dần dần ổn định. Tích lũy được vốn và kinh nghiệm, anh Ngọc mở rộng sản xuất và chuyển đổi từ mô hình lúa - cá sang mô hình VAC tổng hợp: chăn nuôi lợn, gà, cá trắm đen, cá chuối và kết hợp trồng lúa, ươm trồng cây cảnh. Với mô hình sản xuất mới, năm 2013 thu nhập sau khi đã trừ chi phí đạt từ 230 - 250 triệu đồng.
Năm 2014, được Hội Nông dân hướng dẫn thành lập tổ hợp tác và tạo điều kiện cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh đã vận động một số hộ liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác "Nuôi trồng thủy sản" có 10 thành viên. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác "Nuôi trồng thủy sản" của xã, anh luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con nông dân sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo.
Cụ thể là phối hợp với Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyển giao KHKT cho 27 hội viên nông dân trong xã; giúp đỡ giống, vốn cho 4 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất; cho các hộ khó khăn về vốn vay vốn không lấy lãi với số tiền 180 triệu đồng…
Với những việc đã làm và kết quả đạt được, gia đình anh Ngọc nhiều năm được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Được Hội Nông dân tỉnh công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh…
Phúc Nguyên