Những năm qua, giáo dân trong giáo xứ luôn thực hiện tốt các phong trào như: ủng hộ đồng bào các địa phương bị thiên tai, bão lụt, đền ơn, đáp nghĩa, gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, công tác khuyến học, khuyến tài...Song nói đến giáo xứ Cồn Thoi không thể không nói đến nghĩa cử cao đẹp của những người công giáo nơi đây, đó là tích cực làm công tác từ thiện, bác ái, hiến tặng giác mạc mang lại ánh sáng cho người khiếm thị.
Nói đến việc hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho người khiếm thị ở xã Cồn Thoi nói chung, giáo xứ Cồn Thoi nói riêng thì bên cạnh hoạt động tích cực của Hội Chữ Thập đỏ xã Cồn Thoi, không thể không nói đến sự nhiệt tình của linh mục Anton Đoàn Minh Hải trong việc vận động các giáo dân. Linh mục Anton Đoàn Minh Hải, cha chính xứ Cồn Thoi, giáo phận Phát Diệm luôn tuyên truyền cho giáo dân hiểu rõ việc hiến giác mạc là nghĩa cử bác ái cuối cùng mà con người có thể làm được trong cuộc sống trần gian. Nghĩa cử đó mang lại ánh sáng, hạnh phúc cho người mù và cũng mang lại cho chính người hiến giác mạc thêm phúc phần về sau.
Mỗi lần đi sức dầu kẻ liệt (tức là ban bí tích cuối cùng cho bệnh nhân, giúp họ bình an trước khi qua đời), linh mục Anton Đoàn Minh Hải đều lưu lại với gia đình bệnh nhân để giới thiệu và giải thích về việc hiến tặng giác mạc. Trong lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến gác mạc tại huyện Kim Sơn năm 2013, linh mục Đoàn Minh Hải đã phát biểu: "Tôi làm việc vì tinh thần bác ái, yêu thương như lời chúa dạy và làm việc vô tư theo đúng nghĩa hiến tặng". Cha ước mong có nhiều linh mục, nhiều nơi làm tốt hơn nữa trong phong trào hiến giác mạc mang lại ánh sáng, hạnh phúc cho người mù.
Nói về phong trào hiến giác mạc ở giáo xứ Cồn Thoi, Chánh trương xứ Cồn Thoi, ông Ninh Văn Hóa cho biết: Việc vận động giáo dân hiến giác mạc cũng có nhiều khó khăn đó là về nhận thức, khi vận động giáo dân, họ nghe xong và thốt lên "Vậy là chết rồi mới hiến giác mạc à, cứ nghĩ là lúc đang còn sống chứ". Mặt khác tín ngưỡng dân gian quan niệm "Dương sao, âm vậy" nên nhiều giáo dân không dám hiến giác mạc, sợ kiếp sau mãi vẫn bị mù. Thứ 3 là có nhiều ý kiến trái ngược nhau trong cùng một gia đình, dòng họ khiến cho chính người hiến giác mạc còn phân vân.
Để giải quyết được những khó khăn này, Ban chấp hành giáo xứ Cồn Thoi đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, kiên trì thuyết phục đến các gia đình giáo dân mà người khởi xướng là linh mục Đoàn Minh Hải. Ban chấp hành giáo xứ và linh mục tuyên truyền cho giáo dân hiểu về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho người khiếm thị.
Việc tuyên truyền của Ban chấp hành giáo xứ Cồn Thoi về hiến giác mạc làm cho giáo dân hiểu rõ hiến giác mạc là vì nghĩa cử cao đẹp của lòng nhân ái, yêu thương.Từ chỗ có một ca hiến giác mạc đầu tiên của xã Cồn Thoi và cũng là người đầu tiên hiến giác mạc của cả nước là Cụ Phạm Thị Hoa, 83 tuổi ở giáo họ Tòng Phát vào tháng 4 năm 2007; đến nay Giáo xứ Cồn Thoi đã có hơn 70 người hiến giác mạc và còn nhiều người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước trong phong trào hiến giác mạc, một phong trào nhân văn góp phần mang lại ánh sáng cho người mù. Ông Lê Đức Long, nguyên Chánh trương xứ Phát Diệm đã cảm xúc viết những vần thơ nhớ người bạn là bà Nguyễn Thị Hà Thu ở xã Thượng Kiệm người đã hiến giác mạc câu thơ " Em ơi đôi mắt em nhìn - Trong người khiếm thị anh tìm thấy em".
Trần Dũng