Chúng tôi có mặt tại Bảo tàng tỉnh đúng ngày Trường THPT Bán công (thành phố Ninh Bình) tổ chức cho hơn 200 học sinh đến tham quan, học tập. Em Nguyễn Hương Linh, học sinh lớp 11 cho biết: "Đây là buổi học ngoại khóa rất thú vị, chúng em háo hức mong chờ từ đầu tuần khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo. Qua tham quan tại Bảo tàng tỉnh giúp em được tận mắt thấy các di sản văn hóa của đất nước nói chung, của Ninh Bình nói riêng, hiểu thêm về lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Ninh Bình".
Còn em Nguyễn Tiến Hùng, học sinh lớp 10 cho rằng: "Em đến Bảo tàng tham quan, nghe các chị cán bộ, nhân viên thuyết minh về hiện vật trưng bày qua các thời kỳ, qua đó, em có thêm nhiều kiến thức về lịch sử hình thành dân tộc, đời sống xã hội và cuộc đấu tranh giữ nước và bảo vệ độc lập của người dân Cố đô Hoa Lư. Em thấy bảo tàng tỉnh là nơi để em có thể tìm hiểu về các giá trị truyền thống của đất và người Ninh Bình nhanh và hiệu quả nhất".
Em Trần Nguyễn Quốc Bảo, học sinh lớp 12 say sưa chụp ảnh từng hiện vật đá tại gian trưng bày đá chủ quyền quần đảo Trường Sa, cho biết: Vấn đề chủ quyền biển đảo đang là vấn đề nóng của đất nước, em thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và rất bất bình trước những việc làm sai trái của Trung Quốc. Qua thăm quan gian trưng bày về Đá chủ quyền - Quần đảo Trường Sa, giúp em hiểu thêm về ý chí, nghị lực và quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quân và dân huyện đảo Trường Sa cũng như sự ủng hộ, động viên tích cực của nhân dân cả nước. Em cũng rất tự hào về vẻ đẹp, sự hùng vĩ của quần đảo Trường Sa, trân trọng trước những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ hải quân đang công tác trên đảo và mong ước sau khi tốt nghiệp THPT có thể tình nguyện được đóng góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Chị Vũ Thị Thu, cán bộ phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: Hình ảnh từng đoàn học sinh xếp thẳng hàng ngay ngắn hay với ánh mắt háo hức, hồi hộp chờ đợi được khám phá những điều mới lạ đã trở nên quen thuộc đối với những cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Thường thì đa số các em lần đầu tiên được đến Bảo tàng, nơi có một không gian không giống bất cứ ở đâu nên các em rất say mê khám phá những mô hình, hiện vật, hình ảnh, tư liệu được sắp đặt sinh động qua các phần thiên nhiên đất và người Ninh Bình, những phát hiện khảo cổ di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư… Các em học sinh thường đi đông, lại do tâm lý lứa tuổi nên không được trật tự như những đoàn khách người lớn, nhưng sự háo hức, mong chờ, sự ngây thơ, ngộ nghĩnh của các em luôn thôi thúc cán bộ thuyết minh bảo tàng nói kỹ hơn, giảng giải chi tiết, cụ thể hơn, giúp các em hiểu thêm về đất nước, con người Ninh Bình. Đối với lứa tuổi học sinh, điều các em quan tâm hơn cả là những vấn đề về tài nguyên thiên nhiên, hệ động thực vật của Vườn quốc gia Cúc Phương và tìm hiểu về lịch sử các thời kỳ phát triển, hình thành con người… Đối với đối tượng là sinh viên, các em thường say mê tìm hiểu về các di chỉ khảo cổ học, các cổ vật, các khu văn hóa, du lịch…
Đồng chí Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hàng năm, Bảo tàng tỉnh có công văn gửi đến các trường học trong tỉnh để phối hợp và tạo điều kiện về mọi mặt để các trường học liên hệ cho học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại Bảo tàng. Đây là một trong những hoạt động phối hợp nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Trong năm 2012, Bảo tàng Ninh Bình đón tiếp gần 6 nghìn lượt khách tham quan phần trưng bày cố định tại Bảo tàng, trong đó có hàng nghìn HSSV; ngoài ra còn đón hàng nghìn khách tham quan tại các gian trưng bày chuyên đề, gian trưng bày lưu động trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Không chỉ tổ chức cho HSSV tham quan Bảo tàng miễn phí, Bảo tàng tỉnh còn liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Khu di tích lịch sử văn hóa núi Thúy để các trường học tổ chức cho các em tham quan Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, tham quan núi Dục Thúy, công viên núi Thúy…
Qua vài năm tổ chức phối hợp, tôi nghĩ đây là một cách làm hay giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu và thu thập kiến thức từ các hình ảnh, hiện vật trưng bày. Hoạt động này cũng rất có hiệu quả trong công tác giáo dục thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người Ninh Bình cũng như tài nguyên, lãnh thổ Việt Nam...
Được biết, hiện nay Bảo tàng Ninh Bình đang bảo quản và trưng bày 22.500 tài liệu, hiện vật; trong đó có gần 300 hiện vật cổ liên quan tới thời kỳ Đinh, Lê, Lý có từ 1.000 năm tuổi. Với những hiện vật, tài liệu hiện có, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên bổ sung sưu tập, tổ chức trưng bày tại chỗ và trưng bày lưu động để phục vụ khách tham quan.
Việc phối hợp tổ chức cho HSSV tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh đã và đang góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh trong học tập, vui chơi và giao lưu văn hóa.
Bài, ảnh: Hạnh Chi