Thực trạng quá tải Hiện nay, thành phố có trên 27.600 học sinh, được chia thành 663 nhóm lớp ở 42 trường thuộc 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS), trong đó có 41 trường công lập, 1 trường Mầm non tư thục và 63 cơ sở giáo dục Mầm non tư thục; 100% trường được đánh giá và công nhận đạt chuẩn Quốc gia, 16/30 trường Tiểu học và Mầm non đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Tuy vậy, với lượng học sinh khá đông, số trường, lớp trên vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, buộc các nhà trường phải lựa chọn giải pháp "gọt chân cho vừa giày".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quá tải ở các trường, lớp trên địa bàn, ông Bùi Quang Vinh, Trưởng Phòng giáo dục thành phố Ninh Bình đưa ra con số so sánh: Nếu như cách đây 7-8 năm, tổng số học sinh bậc tiểu học của thành phố trên 6.000 em, thì nay con số này đã lên tới gần 11.000 em, nghĩa là tăng gần gấp đôi. Tương tự như vậy, số học sinh ở bậc Mầm non cũng đang tăng theo cấp số nhân. Trung bình mỗi năm, thành phố tăng khoảng 500-600 học sinh. Sỹ số học sinh tăng nhanh kéo theo thiếu cơ sở vật chất trường lớp. Theo ông Bùi Quang Vinh, mặc dù năm học 2015-2016, thành phố đã dành nguồn kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để xây mới 62 phòng học cho các trường, song so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn thiếu khoảng 21 phòng học nữa, đấy là chưa kể đến các phòng học chức năng. Học sinh đông, số lớp nhiều dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nay, thành phố còn thiếu 67 giáo viên tiểu học.
Tìm hiểu thực tế tại Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Phúc Thành), chúng tôi được biết: Hiện nay, do phường Nam Thành không có trường THCS nên Trường THCS Lý Tự Trọng đảm nhận nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo con em của phường Nam Thành và Phúc Thành. Những năm gần đây, số lượng học sinh của nhà trường liên tục tăng và tăng đều qua các năm. Ví như, năm học 2013-2014, toàn trường có 993 học sinh thì đến năm học 2014-2015 con số này đã lên đến 1.151 học sinh (tăng 158 học sinh) và đến năm học 2016-2017, tổng học sinh của trường là 1.280 học sinh, tăng 83 em so với năm học trước. Không dừng lại ở đó, theo dự báo các năm tiếp theo con số này còn tiếp tục tăng, khi mà hiện nay số học sinh tiểu học ở phường Nam Thành (Tiểu học Nam Thành) và Phúc Thành (Tiểu học Lý Tự Trọng) đã lên tới 1.968 học sinh. Theo kế hoạch, hết năm học 2016-2017, Trường THCS Lý Tự Trọng có 270 em học sinh tốt nghiệp và sẽ tuyển sinh khoảng 334 em học sinh lớp 6. Như vậy, với tổng số học sinh của 2 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và Trường Tiểu học Nam Thành thì năm học 2017-2018, sỹ số nhà trường sẽ tăng 70 em nữa.
Cô giáo Đặng Kim Duyên, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ về cách khắc phục sự quá tải: Để đáp ứng nhu cầu về sỹ số học sinh, nhà trường buộc phải chuyển một số phòng học chức năng để làm phòng học. Các phòng học chức năng không còn thì việc dạy theo chương trình mới cũng bị bó buộc. Thực trạng này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Để giải quyết bài toán quá tải, cô giáo Đặng Kim Duyên cho rằng, về lâu dài, thành phố nên tính đến việc xây thêm trường THCS cho phường Nam Thành. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho thành phố Ninh Bình khi triển khai thực hiện Đề án "Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030" của UBND tỉnh, hướng tới xây dựng 1 trường THCS chất lượng cao trên địa bàn thành phố. "Nếu phương án này không thể thực hiện, nhà trường mong muốn được hỗ trợ xây thêm phòng học và xây thêm nhà đa năng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh".
Sự quá tải cũng đang là một trong những khó khăn của Trường Tiểu học Thanh Bình. Cô giáo Vũ Thị Tuyết Nga, Hiệu phó nhà trường chia sẻ: Thực tế hiện nay quy mô nhà trường chỉ có 30 phòng học nhưng số lớp đã lên tới 37 lớp với 1.338 học sinh, nhiều lớp sỹ số đông, vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ yếu ở khối lớp 1). Để khắc phục tình trạng quá tải, nhà trường đã phải lấy cả phòng truyền thống Đội, phòng thư viện, thậm chí cả phòng họp của giáo viên cũng được "trưng tập" để làm lớp học. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho các thầy cô và học sinh nhà trường như: để học 2 buổi/ngày thì các khối lớp phải nghỉ học luân phiên; hoạt động Đội gặp nhiều khó khăn vì không có phòng, buộc phải đợi đến cuối giờ học để triển khai nhiệm vụ ở một lớp học nào đó; còn các thầy, cô giáo do không có phòng họp nên cũng phải thực hiện sinh hoạt chuyên môn ngoài giờ. Mặt khác, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh tiểu học không được mang đồ dùng học tập, sách vở về nhà mà phải để lại trường. Vì vậy, khi các lớp học không được học cố định một phòng thì mỗi lần chuyển lớp là các em lại phải di chuyển đồ dùng học tập theo, điều này đối với học sinh tiểu học khá vất vả. Sỹ số đông, sân trường chật hẹp, diện tích phòng học chật hẹp nên các hoạt động vui chơi, vận động của các em đã bị hạn chế. Cũng vì khuôn viên quá chật hẹp nên nhà trường buộc phải ra quy định "nghiêm cấm học sinh không chạy đuổi trong trường" để tránh tình trạng giờ ra chơi sân trường quá đông, các em chạy đuổi sẽ xô vào nhau, gây nguy hiểm.
Giải pháp căn cơ
Trước sức ép quá tải, ngành Giáo dục thành phố Ninh Bình đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố, các xã, phường và các ban, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được xem là giải pháp căn cơ.
Theo ông Bùi Quang Vinh, để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, lãnh đạo thành phố đã đi khảo sát thực trạng cơ sở vật chất ở các trường trên địa bàn. Qua đó, thành phố đã cho chủ trương tiếp tục đầu tư xây mới 18 phòng học cho Trường THCS Ninh Phúc và Trường Tiểu học Quang Trung; từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ đầu tư xây 1 đơn nguyên gồm 18 phòng học cho Trường Mầm non Thúy Sơn. Đối với Trường Tiểu học Thanh Bình, thành phố đã đàm phán với Công ty lắp máy Lilama để chuyển nhượng một phần diện tích của Công ty và như vậy Trường Tiểu học sẽ mở rộng thêm khoảng 4.000 m2; mở rộng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thêm khoảng 2.000 m2). Đồng thời ngành Giáo dục thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Đề án di dời Trường Mầm non Đông Thành sang địa điểm mới (rộng khoảng 5.500 m2). Hiện đề án này đã được chấp thuận, tổng nguồn kinh phí khoảng 48 tỷ đồng, phấn đấu trong 2 năm tới, Trường Mầm non Đông Thành sẽ có cơ sở mới. Đối với một số trường không thể mở rộng diện tích như Trường Mầm non Nam Bình, Bích Đào, thành phố đã có phương án xây thêm cơ sở 2 cho các trường. Cùng với đó, thành phố cũng đang xây dựng phương án xây mới Trường THCS cho phường Nam Thành.
Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thành phố khuyến khích và tạo điều kiện để có thêm nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục, góp phần giảm áp lực quá tải ở các trường mầm non công lập. Đi đôi với việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, Phòng Giáo dục thành phố cũng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, đảm bảo các cơ sở này hoạt động đúng quy định.
Ngoài việc tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp, các trường học trên địa bàn thành phố còn quan tâm sửa chữa, đóng mới bàn, ghế, cải tạo khuôn viên, cảnh quan nhà trường. Cùng với đó, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục làm tốt công tác quản lý học sinh để hạn chế tình trạng học trái tuyến, gây quá tải cho các điểm trường tại khu vực nội thành.
Về vấn đề đội ngũ, trong năm học mới này, thành phố tiếp tục ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên tiểu học và thực hiện luân chuyển một số giáo viên, cán bộ quản lý, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu lớp học và thiếu giáo viên - ông Bùi Quang Vinh khẳng định.
Mai Lan