Quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 55% đến 57% dân số độ tuổi, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 97% đến 98,7% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99%; huy động 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; có từ 79% đến 85% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT và GDTX. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao. Tháng 4/2017, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; là tỉnh thứ 2 trong toàn quốc được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo tiêu chí mới.
Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đến nay đạt 85,9%. Có 322/327 thư viện trường phổ thông, GDTX đạt chuẩn trở lên, chiếm tỷ lệ 98,5% tổng số thư viện trường học; trong đó có 58 thư viện tiên tiến (chiếm 17,7%), 214 thư viện xuất sắc (chiếm 65,4%). Ngành đã tích cực chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với 83,8% số trường học mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ ở từng cấp học là: 81,5% trường mầm non đạt chuẩn mức độ 1, trong đó có 10,6% đạt chuẩn mức độ 2; 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1, trong đó có 61,3% đạt chuẩn mức độ 2; 78,9% trường THCS và 33,3% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Có 95/145 xã, phường, thị trấn và 2 thành phố có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tác động tích cực, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn từng cấp học đạt cao: mầm non đạt 93,8%, tiểu học 93,8%, THCS 85,3%, THPT 19,8%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; việc đổi mới phương pháp dạy học được đẩy mạnh, tăng cường tổ chức chuyên đề sinh hoạt bộ môn liên trường, liên huyện, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên giao lưu, củng cố, tăng cường, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy; hoạt động giáo dục và hoạt động trải nghiệm, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống được chú trọng thực hiện đạt hiệu quả cao, nhiều trường có cách làm sáng tạo đã sân khấu hóa các hoạt động, để học sinh được tham gia nhiều hơn, được trải nghiệm để tìm hiểu kiến thức.
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực tiến bộ theo từng năm học, từng bước được khẳng định vị thế trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Ngành đã triển khai có hiệu quả chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non"; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày tăng dần qua từng năm học, đến nay đạt 97,46%; 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh theo chương trình mới. Chỉ đạo các trường trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, phân hóa theo năng lực học sinh; tổ chức nhiều chuyên đề cấp tỉnh về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở các đơn vị nhà trường; chú trọng việc dạy học các chủ đề tích hợp liên môn. Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh qua việc lồng ghép nội dung các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khóa, duy trì các trò chơi dân gian, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Nhiều năm liền, kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của học sinh Ninh Bình luôn thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước vể điểm bình quân các môn thi: Năm 2011, xếp thứ 7/63; năm 2013, xếp thứ 2/63, có 6 trường THPT lọt vào tốp 200 trường có điểm thi cao nhất; năm 2014, xếp thứ 4/63. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn thi để xét tuyển đại học đạt từ 15 điểm trở lên, chiếm tỉ lệ 80,3%; năm 2016 chiếm tỉ lệ 76,64%, xếp thứ 4 toàn quốc. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục khẳng định trong tốp đầu các tỉnh, thành phố cao của cả nước với tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh đạt 98,86%; có 66 bài thi đạt điểm 10; có 548 thí sinh đạt 26 điểm trở lên của các tổ hợp xét tuyển đại học, điểm trung bình các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,76 điểm, xếp thứ 3 toàn quốc.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục mũi nhọn từ việc dạy học phân hóa học sinh đến phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Những năm gần đây, số lượng và tỷ lệ đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia ổn định ở mức cao: Năm 2011 đạt 47 giải, năm 2012 đạt 52 giải, năm 2013 đạt 50 giải, năm 2015 đạt 41 giải, năm 2016 đạt được 50 giải, năm 2017 đạt 45 giải. Hàng năm, học sinh của tỉnh đều được chọn vào đội dự tuyển tham dự Olympic quốc tế, trong đó năm 2010 đoạt 1 huy chương đồng Olympic Quốc tế môn Tin học. Tham gia các cuộc thi cấp quốc gia khác giành được nhiều giải cao. Đặc biệt, năm học 2016-2017 tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 3 dự án đạt giải, trong đó lần đầu tiên có dự án đạt giải Nhất, đạt 28 giải trong kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp Quốc gia với chất lượng giải và tỷ lệ đạt giải cao. Tham gia triển lãm Quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ Châu á tổ chức tại Malaysia giành được 2 huy chương Vàng vào các năm 2013, 2016; đạt 1 giải Nhất quốc gia, huy chương Vàng Quốc tế cuộc thi vẽ tranh chủ đề "Chiếc ô tô mơ ước" dành cho học sinh tiểu học năm học 2013-2014; có 1 học sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2015. Đoạt 19 huy chương, trong đó có 5 huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII - năm 2012; đoạt 35 huy chương, trong đó có 6 huy chương Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX - năm 2016, đây là thành tích cao nhất đạt được kể từ khi tái lập tỉnh.
Với những đóng góp to lớn đó, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì. Những năm gần đây, ngành GD&ĐT Ninh Bình đều triển khai thực hiện tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học: 2010-2011, 2012-2013, 2013-2014, 2014-2015, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2014, 2016 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2013, 2017 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Vị thế của Giáo dục Ninh Bình tiếp tục được khẳng định vững chắc trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thời gian tới, ngành GD&ĐT Ninh Bình phát huy kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém, tồn tại, tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và nhóm giải pháp cơ bản mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/7/2013 của HĐND tỉnh. Tuyển dụng, sử dụng giáo viên đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp và chủng loại giáo viên, nhân viên theo đúng quy định.
Cùng với đó tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị theo quy định. Tích cực, triển khai có hiệu quả việc điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT theo hướng đổi mới. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực tế của ngành…
Vũ Văn Kiểm
TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo