Những tháng cuối năm 2018, Trường Tiểu học Gia Phong (Gia Viễn) khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình xây dựng còn dang dở, đảm bảo hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất để kiểm tra đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào dịp cuối năm. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện, xã và từ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Gia Phong được đầu tư xây dựng 10 phòng học mới, khu hiệu bộ, làm sân trường, xây tường rào, cổng trường, mua sắm thêm các thiết bị như máy chiếu, máy vi tính phục vụ công tác dạy và học…
Với quy mô về cơ sở vật chất được đầu tư xây mới và sửa chữa, nhà trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là động lực để nhà trường phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Những năm qua, phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được ngành Giáo dục Ninh Bình quan tâm đẩy mạnh, bởi khi đã hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải đạt được các điều kiện nhằm chuẩn hóa các điều kiện về tổ chức, quản lý nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực để từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục... Do vậy, cùng với sự nỗ lực, vượt khó của toàn ngành, ngành Giáo dục huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Riêng năm học 2017-2018 và học kỳ I năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận mới gần 40 trường học, công nhận lại trên 50 trường đạt chuẩn quốc gia các mức độ. Tính đến tháng 11/2018, toàn tỉnh có trên 420 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 88%; có 112/145 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thành phố có trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Kết quả từ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã tác động tích cực, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết 07, ngày 20/7/2013 của HĐND tỉnh, quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt 55-57% dân số độ tuổi, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 97-98,7% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99%; huy động 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; có từ 79-85% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT và GDTX.
Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao. Tháng 4/2017, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; là tỉnh thứ 2 trong toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo tiêu chí mới.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn từng cấp học đạt cao: Mầm non đạt 95%, Tiểu học 98,1%, THCS 92,2% và THPT đạt 22,4%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học có nhiều chuyển biến tích cực; việc đổi mới phương pháp dạy học được đẩy mạnh; tăng cường tổ chức chuyên đề sinh hoạt bộ môn liên trường, liên huyện, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên giao lưu, củng cố, tăng cường, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy…
Hoạt động giáo dục và hoạt động trải nghiệm, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống được chú trọng, thực hiện đạt hiệu quả cao, nhiều trường có cách làm đổi mới, sáng tạo, đã sân khấu hóa các hoạt động để học sinh được tham gia, trải nghiệm nhiều hơn, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng gần chục năm liền, học sinh Ninh Bình luôn thuộc tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước vể điểm bình quân các môn thi: Năm 2015, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn thi để xét tuyển đại học đạt từ 15 điểm trở lên chiếm tỉ lệ 80,3%; năm 2016 chiếm tỉ lệ 76,64%, xếp thứ 4 toàn quốc; năm 2017, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh đạt 98,86%, điểm trung bình các bài thi đạt 5,76 điểm, xếp thứ 3 toàn quốc và năm 2018, điểm trung bình các bài thi đạt 5,45 điểm, tiếp tục giữ thành tích xếp thứ 3 toàn quốc…
Cùng với đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn giữ vững cả về số lượng và tỷ lệ đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia: Năm 2015 đạt 41 giải, năm 2016 đạt 50 giải, năm 2017 đạt 45 giải và năm 2018 đạt 43 giải. Nhiều năm, học sinh của tỉnh được chọn vào đội dự tuyển tham dự Olympic quốc tế; nhiều học sinh tham gia các cuộc thi cấp quốc gia khác và giành được nhiều giải thưởng cao…
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" theo các chương trình, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục Ninh Bình chuẩn bị tốt các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhất là đối với lớp 1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục… thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020. Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục ngang bằng với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Mỹ Hạnh