Theo đó, Ngành đã tiếp tục củng cố vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS. Cơ sở vật chất được tăng cường, từng bước đáp ứng được yêu cầu dạy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 84,8%. Trong năm học đã có thêm 11 trường học được kiểm tra công nhận đạt chuẩn Quốc gia các mức độ, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 383/469 trường, đạt tỷ lệ 81,7%. Toàn tỉnh có 89 xã, phường, thị trấn cả 3 cấp học đạt chuẩn Quốc gia. Đặc biệt năm 2016, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã tiến hành các quy trình, thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng trường THPT chuyên của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, chất lượng và trình độ đào tạo không ngừng nâng cao. Toàn ngành có trên 400 thạc sỹ, tỷ lệ cán bộ, giáo viên trên chuẩn đạt 82,06%, trong đó 91,1% giáo viên mầm non, 97,8% giáo viên tiểu học, 87,3% giáo viên THCS và 18,6% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn về đào tạo, nhiều cán bộ, giáo viên các cấp học đang theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, Ngành đã thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh có học lực yếu giảm, học lực khá, giỏi tăng ở tất cả các cấp học. Đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm bình quân các môn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng luôn đứng ở tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (năm 2013, Ninh Bình xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố, năm 2014 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, năm 2015 kết quả ba môn thi dùng để xét tuyển đại học số học sinh có tổng ba môn thi đạt từ 15 điểm trở lên là 5.200/6.479 học sinh, chiếm tỷ lệ 80,26%, nếu tính từ 19 điểm trở lên có 3.252/6.479 học sinh, chiếm tỷ lệ 50,19%).
Cùng với việc đảm bảo quy mô trường lớp các cấp học, thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục mũi nhọn nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Các nhà trường, các địa phương đã chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm đầu tư cho con em mình học giỏi, thành tài; nhiều gia đình, dòng họ, địa phương quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, đã khen thưởng động viên kịp thời các em cả về vật chất, tinh thần, tạo thêm động lực giúp các em vượt khó vươn lên học giỏi. Trong năm học 2015-2016, học sinh tỉnh Ninh Bình đã giành được 50 giải học sinh giỏi Quốc gia THPT; 25 giải học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp Quốc gia; 5 giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học; 50 giải thi giải toán qua Internet; 76 giải thi Tiếng Anh qua Internet toàn quốc và hàng nghìn học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp…
Nổi bật là kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT - là kỳ thi được tổ chức thường xuyên hàng năm, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học trọng điểm có hệ THPT chuyên trong cả nước. Trong kỳ thi này, Ninh Bình có 62 học sinh dự thi 10 môn giành được 50 giải, gồm 11 giải nhì, 19 giải ba và 20 giải khuyến khích. Tỷ lệ học sinh dự thi đạt giải chiếm 80,65% (tỷ lệ chung của toàn quốc là 50%); trong đó có một học sinh được chọn vào đội dự tuyển môn Vật lý tham dự Olympic châu á Thái Bình Dương; đặc biệt 5 đội tuyển các môn: Vật lý, Sinh học, Tin học, Ngữ Văn, Tiếng Pháp có 100% số học sinh dự thi đoạt giải (trong những năm gần đây, các môn Sinh học, Tin học liên tục có 100% học sinh dự thi đạt giải).
Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học, có 5/6 dự án đạt giải, chiếm tỷ lệ 83,4%, trong đó có 1 giải nhì: dự án của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy; 1 giải ba: dự án của Trường THCS Trương Hán Siêu - thành phố Ninh Bình; 3 giải khuyến khích: dự án của các trường THCS Quang Thiện - huyện Kim Sơn, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Kim Sơn A. Cùng với đó, các cuộc thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay dành cho học sinh lớp 9 THCS, lớp 12 THPT, GDTX cấp quốc gia; thi giải Toán qua Internet cấp quốc gia; thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia; thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT, GDTX cấp tỉnh; thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh và thi chọn học sinh giỏi tỉnh khối các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp… đều đạt được những kết quả phấn khởi. Ngoài ra, trong năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức và tham gia các kỳ thi, cuộc thi khác nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" trong toàn ngành; động viên, khuyến khích, tôn vinh học sinh giỏi ở các cấp học.
Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong các năm học tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu và tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và các kế hoạch triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, đề ra giải pháp đúng đắn cho sự phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo nói chung, công tác bồi dưỡng nhân tài nói riêng.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng xây dựng chế độ, chính sách với giáo viên, học sinh, trong đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ, khuyến khích giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường THPT chuyên của tỉnh ngang tầm với các trường THPT chuyên trong khu vực. Tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, thu hút trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên trẻ, có năng lực đi đào tạo các lớp cao học, nghiên cứu sinh để làm lực lượng nòng cốt; tăng cường tổ chức các chuyên đề, tổ chức giao lưu, học hỏi các tỉnh, thành phố có bề dày thành tích về bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội cho đội ngũ giáo viên được tiếp xúc, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia của các học viện, trường đại học.
Tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào trường chuyên theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng lực, năng khiếu để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện nhiều giải pháp để phát hiện, tuyển chọn và thu hút học sinh giỏi trong toàn tỉnh vào học tại trường THPT chuyên của tỉnh. Tập trung chỉ đạo để mỗi cấp học, mỗi huyện, thành phố xây dựng được các trường chất lượng cao. Đồng thời chủ động phối hợp với Hội khuyến học và các tổ chức xã hội, phát huy mọi tiềm năng, tạo sự hưởng ứng và đồng thuận của xã hội, gia đình cùng ngành Giáo dục và Đào tạo chăm lo công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phấn đấu để giáo dục mũi nhọn Ninh Bình có vị trí xứng đáng trong khu vực và cả nước.
Hạnh Chi