Có mặt tại Rạp chiếu phim Ninh Bình chứng kiến buổi chiếu phim dành cho các em học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, nhận thấy sự háo hức, phấn khởi của các em. Từng tốp học sinh tay cầm vé xem phim, vui vẻ cùng nhau vào các phòng chiếu phim tại Rạp.
Em Trần Thị Thảo Hương, học sinh lớp chuyên Sử cho biết: Chúng em rất vui mừng và thích thú, vì được cùng bạn bè trong lớp, trong trường đi xem phim sau những buổi học căng thẳng; và càng ý nghĩa hơn khi chúng em được tìm hiểu về những bộ phim lịch sử của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc học tập các môn xã hội, nhất là môn lịch sử. Em nhận thấy, tại phòng chiếu với hơn 300 học sinh nhưng không có một bạn nào gây ồn khi được xem phim truyện "Thầu Chín ở Xiêm". Bộ phim thật hay và cảm động, kể về một quãng thời gian ngắn trong cuộc đời dài của Bác Hồ khi ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi xem xong bộ phim, chúng em càng thấy yêu mến, kính trọng và cảm phục Bác Hồ hơn, từ đó tự hứa với bản thân mình, khi được sống trong cuộc sống tự do, đầy đủ như hôm nay càng phải cố gắng, nỗ lực hơn để sau này đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.
Cô giáo Phan Thị Sơn, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình tổ chức cho hơn 1 nghìn học sinh của cả 3 khối lớp trong trường xem các bộ phim về đề tài lịch sử. Đây là phương pháp giáo dục tạo sự hứng khởi cho học sinh, góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Qua theo dõi tôi nhận thấy, các em học sinh rất phấn khởi và yêu thích hoạt động ngoại khóa này. Tôi tin, nếu phối hợp tổ chức được nhiều chương trình, hoạt động văn hóa như thế này sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng giáo dục cho các em học sinh về lịch sử, văn hóa, truyền thống của đất nước, con người Việt Nam, giảm đáng kể những ảnh hưởng không mong muốn do văn hóa nước ngoài du nhập.
Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo về việc chiếu phim tuyên truyền cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình tổ chức đợt chiếu phim từ ngày 10/11 đến 31/12/2016 (đợt 1). Theo đó, các nhà trường lựa chọn gồm phim tài liệu (Vị tướng của nhân dân - nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và 1 trong 2 bộ phim ("Thầu Chín ở Xiêm" và "Nhà tiên tri" - 2 bộ phim nói về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giai đoạn cách mạng tại Thái Lan và chiến khu Việt Bắc). Đối tượng xem phim là học sinh THCS, THPT, bổ túc THPT trong toàn tỉnh.
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh đã tổ chức chiếu phim phục vụ các em học sinh trên địa bàn thành phố Ninh Bình và một số trường học có địa điểm gần thành phố ngay tại Rạp chiếu phim Ninh Bình. Đối với các trường học ở xa, Trung tâm chuẩn bị các điều kiện tổ chức các buổi chiếu phim lưu động bằng cách tổ chức các đoàn xe lưu động tiến hành khảo sát địa điểm tại Nhà văn hóa đa năng các trường học hoặc hội trường các xã, cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện trên địa bàn và gần các trường học để chăng cheo, vận chuyển thiết bị phục vụ chiếu phim, đảm bảo đạt các yêu cầu về chất lượng và số lượng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại cơ sở để đảm bảo về công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội… Từ ngày 10-11 đến 20-11-2016, Trung tâm đã tổ chức hàng chục buổi chiếu cho hàng nghìn học sinh các trường THPT trên địa bàn như THPT Lương Văn Tụy, Trần Hưng Đạo, Yên Khánh A…
Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc tổ chức chiếu phim lịch sử cho học sinh phổ thông là một trong những hoạt động văn hóa nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống cho các em. Theo đó, cùng với việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, các phòng giáo dục huyện, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong hoạt động chiếu phim trong các đợt lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của tỉnh, của đất nước; Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các đơn vị, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh thăm quan Bảo tàng, tìm hiểu về các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; nhận chăm sóc, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn trường đứng chân. Từ đó, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống qua các hoạt động văn hóa đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc…, giúp học sinh gắn bó, yêu quê hương, đất nước cụ thể hơn, sâu sắc hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tại các trường học trong tỉnh.
Hạnh Chi