Tỉnh Ninh Bình là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, là điều kiện thuận lợi để các đơn vị giáo dục nhận và tổ chức các hoạt động chăm sóc các di tích nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vì vậy, trong những năm qua, đã có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, các công trình nhà bia tưởng niệm liệt sỹ được các liên đội nhà trường tổ chức cho học sinh nhận chăm sóc thường xuyên. Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, giáo viên Trường Tiểu học Yên Phong (Yên Mô) cho biết, nhiều năm nay, nhà trường nhận chăm sóc Di tích lịch sử Đền Quảng Phúc - Di tích cấp Quốc gia, do đó thành thông lệ, chiều mùng 10 hàng tháng, các giáo viên và hàng trăm học sinh nhà trường lại cùng nhau quét dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên, khu vực nội tự Đền Quảng Phúc. Cùng với đó, vào các ngày lễ lớn như ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 hay nhân dịp lễ, Tết, liên đội trường đều tổ chức cho học sinh đến thăm các gia đình chính sách, các cựu chiến binh để được nghe giới thiệu về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương…, từ đó hướng cho các em học sinh ý thức về cội nguồn dân tộc, nỗ lực chăm ngoan, học tập tốt, sống trung thực, kính trọng cha mẹ, thầy cô, tránh xa các tệ nạn xã hội và có ước mơ, hoài bão rèn luyện ý thức vươn lên trong học tập.
Những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Phong trào có 5 nội dung gồm: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự học tập; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Trong đó, nội dung thứ 5 của phong trào được triển khai sâu rộng và được học sinh tham gia tích cực, góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước. Em Đinh Trần Thảo Linh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, vào mỗi năm học, liên đội nhà trường đã phân công cho từng chi đội luân phiên tổ chức nhổ cỏ, quét dọn và chăm sóc nhà bia tưởng niệm liệt sỹ của phường. Cùng với đó, nhân ngày lễ, Tết, các chi đội, liên đội nhà trường đều có các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, nhất là những gia đình thương binh, liệt sỹ neo đơn, bệnh nặng, các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn phường. Được tham gia các hoạt động bổ ích này, chúng em thấy thêm tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương và nguyện sẽ cố gắng học tập tốt để xứng đáng với truyền thống đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt công tác này vẫn còn những trường học chưa chú trọng đến việc giáo dục truyền thống, ý thức bảo vệ di sản văn hóa quê hương, việc nhận và tổ chức các hoạt động chăm sóc còn mang tính hình thức, từ đó chưa thực sự thu hút đông đảo học sinh tham gia và tạo được phong trào sâu rộng, thường xuyên trong nhà trường. Đặc biệt là vào dịp nghỉ hè, học sinh về tham gia sinh hoạt tại địa phương, các trường hầu như không tổ chức được các hoạt động như trong năm học.
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho rằng, việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực, vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với các di sản văn hóa của quê hương, đất nước, nhất là đối với những di sản sống, nhân chứng sống ở xung quanh và gần gũi với nhà trường. Bộ GD&ĐT khuyến khích phương pháp giáo dục lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống; giáo viên đóng vai trò là người thiết kế hoạt động, điều phối viên, giúp tổ chức hoạt động cho học sinh. Do vậy, hoạt động nhận chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở địa phương cần được duy trì thường xuyên, hiệu quả, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh; hướng các em tham gia những hoạt động lành mạnh, bổ ích, tinh thần yêu lao động, gắn bó với nhà trường, quê hương.
Qua gần chục năm thực hiện phong trào thi đua "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã có tác động mạnh mẽ tới việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, cấp tỉnh đã được hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc, trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường di tích. Học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh đã nhận chăm sóc gần 100 di tích Quốc gia; hàng trăm di tích cấp tỉnh; gần 300 Nghĩa trang liệt sĩ hoặc Đài tưởng niệm liệt sĩ; đồng thời có hàng nghìn gia đình người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, liệt sĩ… được quan tâm thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ việc nhà, động viên khi ốm đau. Thông qua việc chăm sóc, tìm hiểu, tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công; học tập những gương chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ đi trước, giúp các em học sinh được chia sẻ, gắn bó và thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc…
Hạnh Chi