Đã thành thông lệ, chiều ngày 10 hàng tháng, các giáo viên và hơn 100 học sinh theo khối lớp Trường Tiểu học Yên Phong, xã Yên Phong (Yên Mô) lại cùng nhau tham gia chăm sóc, quét dọn vệ sinh trong khuôn viên, khu vực nội tự Đền Quảng Phúc - Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi hoàn thành công việc quét dọn, các em tập trung tại khu vực nội tự, nghe giáo viên và người trông coi đền kể về các giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích, về các nhân vật được thờ tại đền, giới thiệu về lịch sử quê hương…
Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bám sát các nội dung của phong trào thi đua THTT-HSTC, hàng năm, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa định kỳ cho học sinh học tập và tìm hiểu truyền thống của nhà trường, quê hương, đất nước. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện với học sinh về truyền thống cách mạng của cha ông, các buổi thi tìm hiểu, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", Đội TNTP Hồ Chí Minh, thi kể chuyện đạo đức, tham gia các hội thi văn hóa, văn nghệ…
Ngoài tổ chức cho các em tìm hiểu giá trị, ý nghĩa và chăm sóc Di tích lịch sử Đền Quảng Phúc, nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh các khối lớp giúp đỡ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sỹ… trên địa bàn xã, qua đó hướng cho học sinh ý thức sống trung thực, kính trọng cha mẹ, thầy cô, biết phê phán những thói hư tật xấu, tránh xa các tệ nạn xã hội và có ý thức tự rèn luyện vươn lên trong học tập.
Chị Vũ Thị Thu, cán bộ phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết: Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón tiếp từ 6-7 nghìn học sinh các cấp học trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Tham quan tại Bảo tàng Ninh Bình, qua các hiện vật và thuyết minh của hướng dẫn viên, các em học sinh có thể tìm hiểu và thu thập kiến thức từ các hình ảnh, hiện vật trưng bày, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người Ninh Bình cũng như tài nguyên, lãnh thổ Việt Nam...
Đây là một trong những hoạt động phối hợp của Bảo tàng Ninh Bình với các nhà trường nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống, ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho học sinh. Không chỉ tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan Bảo tàng miễn phí, Bảo tàng Ninh Bình còn chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Khu di tích lịch sử văn hóa núi Thúy để các trường học tổ chức cho các em tham quan Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, tham quan núi Dục Thúy, công viên núi Thúy…
Qua những hiện vật trong Bảo tàng, những hình ảnh thực tế không chỉ giúp học sinh có thêm hiểu biết mà còn tác động sâu sắc tới tình cảm của các em, từ đó khi viết bài thu hoạch, các giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi định hướng giúp học sinh thu thập những tư liệu và tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức lịch sử mà các em tìm hiểu được.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho biết: Giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho học sinh là một trong 5 nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Theo đó, các nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, sử dụng di sản văn hóa để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với các di sản văn hóa của quê hương, đất nước.
Theo đó, trong giáo dục ý thức bảo vệ di sản, sử dụng di sản để dạy học cần chú trọng hướng đến các thiết chế văn hóa và loại hình đa dạng là những bảo tàng, di sản vật thể, di sản thiên nhiên, di sản phi vật thể, nhất là những di sản sống, nhân chứng sống ở xung quanh và gần gũi với nhà trường. Mỗi nhà trường cần đổi mới phương pháp tiếp cận di sản thông qua các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh tự chủ, năng động, sáng tạo, khám phá - không theo mô hình học thuộc lòng, hỏi -đáp, thi chấm điểm. Phương pháp giáo dục là lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống; giáo viên đóng vai trò là người thiết kế hoạt động, điều phối viên, giúp tổ chức hoạt động cho học sinh.
Sau 5 năm thực hiện, phong trào thi đua THTT-HSTC đã có tác động mạnh mẽ tới việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. 329 trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghĩa trang hoặc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ… 5 năm qua, học sinh các trường học đã chăm sóc được 78/80 tổng số di tích Quốc gia; 162/183 tổng số di tích cấp tỉnh; 232 công trình Nghĩa trang liệt sỹ hoặc Đài tưởng niệm liệt sỹ; 129 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh, liệt sỹ… Thông qua đó giúp các em học sinh chia sẻ, gắn bó, tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước…
Bài, ảnh: Hạnh Chi