Bảo tàng tỉnh Ninh Bình là đơn vị thường xuyên phối hợp tốt với các nhà trường và tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc qua các hiện vật sẵn có. Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón hàng nghìn lượt học sinh, học viên, sinh viên đến tham quan phần trưng bày cố định tại Bảo tàng. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức các gian trưng bày chuyên đề lưu động, đưa hiện vật bảo tàng xuống các trường học nhân dịp các kỷ niệm, ngày lễ lớn của tỉnh, của ngành, của đất nước nhằm giáo dục học sinh truyền thống yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương….
Bà Vũ Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Qua một thời gian thực hiện với hàng chục buổi đưa hiện vật về địa phương, đặc biệt là các trường học, nhận thấy, đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các thầy cô giáo và các em học sinh. Đây cũng là một trong những hoạt động phối hợp nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của các em trong học tập, vui chơi và giao lưu văn hóa.
Là nơi có Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và nhiều di tích lịch sử quý báu, hàng năm, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã Trường Yên thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi giao lưu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ngay tại khu di tích và tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trong thời điểm diễn ra lễ hội, giúp các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy.
Em Bùi Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trường Yên (huyện Hoa Lư) cho biết: Nhiều năm nay, tại lễ hội Hoa Lư, em đều được tham gia các màn đồng diễn như xếp chữ Thái Bình, Tập trận cờ lau, trò chơi cờ người..., qua đó giúp em hiểu hơn về những trò chơi dân gian, những điển tích của thời kỳ cha ông dựng nước và giữ nước.... Em cũng cố gắng học giỏi môn tiếng Anh, có những bài viết bằng tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè trong nước và ngoài nước về Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Thầy giáo Trần Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trường Yên (huyện Hoa Lư) cho biết: Hàng năm, Trường THCS Trường Yên thường phối hợp với chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho học sinh nhà trường tham gia vào lễ hội Hoa Lư, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, việc thường xuyên tổ chức các buổi tham quan ngoại khóa, tổ chức thi, viết bài thu hoạch giới thiệu về Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư được nhà trường thực hiện trong những năm học vừa qua, cũng là một trong những phương pháp đổi mới giáo dục, giúp các em yêu thích môn Lịch sử, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa của quê hương mình.
Đối với Trường THCS Khánh Hòa (huyện Yên Khánh), nhiều năm học gần đây, nhà trường đã đưa các hoạt động sân khấu học đường vào giảng dạy tại trường, đạt được những kết quả đáng kể. Từ năm 2017, học sinh nhà trường đã được làm quen với loại hình nghệ thuật Chèo qua bài múa quạt trên nền bài hát chèo giờ thể dục giữa giờ. Đồng thời, tất cả học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn bằng việc tham gia tiểu phẩm sân khấu chèo "Vua Hùng kén rể".
Nhà trường cũng luôn khuyến khích các thầy, cô giáo và các em học sinh phát huy cách dạy học theo chuyên đề, trong đó chú trọng đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp cận với các em học sinh. Hiện tất cả học sinh nhà trường đều đã biểu diễn được tiết mục đồng diễn thể dục giữa giờ trên nền nhạc bài hát chèo "Khánh Hòa yêu thương". Các thành viên CLB chèo nhà trường đã dàn dựng và trình diễn tiết mục chèo "Về với đất Ninh Bình" trên sân khấu học đường, trở thành bài hát thuộc lòng và yêu thích của nhiều em học sinh.
Tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Yên Khánh và Yên Mô, ngành Giáo dục thường xuyên phối hợp với ngành Văn hóa đưa nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống, đặc sắc của quê hương như hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn... vào các nhà trường. Đồng thời khuyến khích học sinh tham gia biểu diễn qua các hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoại khóa, nhằm tiếp tục giữ gìn, khơi dậy và phát triển các môn nghệ thuật truyền thống trong lớp trẻ.
Có thể nói, cùng với những hoạt động tham quan, trải nghiệm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và lịch sử, văn hóa của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng, thông qua các bài dạy, hoạt động ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục, nhà trường, đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, nhân lên tình yêu môn lịch sử, bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, trước thực tế còn một bộ phận học sinh, đặc biệt là học sinh khu vực thị trấn, thành phố còn ham mê, yêu thích mạng xã hội, dành nhiều thời gian cho các trò chơi trên mạng Internet, ngại học các môn xã hội, nhất là môn Lịch sử, đòi hỏi ngành Giáo dục, các nhà trường, mỗi thầy, cô giáo cần tiếp tục có sự đổi mới trong phương pháp dạy và học, nắm bắt tâm lý lứa tuổi, động viên các em học sinh tham gia, yêu thích các hoạt động ngoại khóa, các môn học xã hội, giúp các em hiểu được những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ứng xử văn hóa, văn minh trong học đường và ngoài xã hội.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh