Chị Đào Thị Hương (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) có con gái Lê Thị Nguyệt Anh bị khiếm thính nay đã trưởng thành, có thể giao tiếp thuần thục bằng ngôn ngữ ký hiệu, đang tìm kiếm một nghề phù hợp để theo học có thể tự nuôi được bản thân. Chị Hương cho biết: Trước kia, chúng tôi luôn sợ sự chê bai, dè bỉu của mọi người, rất ngại khi cho cháu xuất hiện trước đám đông..., gia đình thường xuyên giấu bệnh của cháu. Nhất là khi cháu đến tuổi đi học, gia đình đã lo không biết nhà trường có nhận những học sinh khuyết tật như cháu, bạn bè có chế diễu, trêu chọc con mình. Trong khi đó, ở nhà bố mẹ cũng không thể dạy cháu học được, không biết trò chuyện với con thế nào... chỉ biết chăm sóc con ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng gia đình đã quyết tâm cho cháu đến lớp, Nguyệt Anh nhận được sự thương yêu, chia sẻ, sự quan tâm của thầy cô, bạn bè, cháu cũng vơi đi một phần mặc cảm, nhưng cũng chưa tự tin hòa nhập cộng đồng. Khi Dự án "Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật" được triển khai giai đoạn 1 rồi giai đoạn 2 tại Ninh Bình, đã góp phần đem lại những thay đổi cho cháu, cho bố mẹ trẻ khuyết tật như chúng tôi. Thông qua các lớp tập huấn, những buổi giao lưu tuyên truyền, những cuộc họp, những buổi tư vấn của cán bộ Dự án, chúng tôi đã nắm bắt được những kiến thức về chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nói chung, dạy trẻ khiếm thính nói riêng không còn mặc cảm, tự ti, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đối với cha mẹ trẻ khuyết tật để cùng nhà trường, xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ khuyết tật học hòa nhập...
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, năm học 2011-2012, toàn tỉnh có trên 71% trẻ khuyết tật được đến trường, trong đó có 166 trẻ mầm non, đạt 75,1%; bậc tiểu học là 845 em, đạt 71,9%; học sinh THCS có 572 em, đạt 73,8%. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Đây là kết quả khả quan của hoạt động giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật mà ngành Giáo dục và các ngành có liên quan, gia đình và xã hội đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư. Còn khoảng gần 30% trẻ khuyết tật không đến trường được đều là những trường hợp các cháu bị khuyết tật nặng. Ở tỉnh Ninh Bình có nhiều thuận lợi trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật khi được là 1 trong 2 địa phương trong cả nước thụ hưởng Dự án "Hòa nhập người khuyết tật Việt Nam" của tổ chức CRS (tổ chức phi Chính phủ của Mỹ) từ năm 2006, tạo nhiều cơ hội hơn cho trẻ khuyết tật được học, hòa nhập với xã hội.
Qua 2 giai đoạn triển khai Dự án từ năm 2006-2011, ở 3 huyện (Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn), Dự án đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với gia đình có trẻ khuyết tật và bản thân các em. Hoạt động giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật được triển khai khoa học, bài bản hơn, trang bị cho giáo viên tham gia giảng dạy trẻ khuyết tật những kiến thức cơ bản trong giảng dạy trẻ khuyết tật, hỗ trợ về phương tiện giảng dạy, cơ sở vật chất cho lớp học, máy móc liên quan cho trẻ khuyết tật… Do đó, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giờ dạy trẻ khuyết tật, phù hợp với từng đối tượng trẻ khuyết tật, giúp các em tiếp cận kiến thức, gần gũi với bạn bè, hòa nhập với trường lớp hiệu quả hơn.
Sau nhiều năm triển khai hoạt động giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở tỉnh Ninh Bình, kết quả rõ nét mang lại đó là góp phần nâng cao nhận thức cho không chỉ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục ở các cấp học, cha mẹ học sinh khuyết tật, mà cả đối với cấp ủy, chính quyền địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Thực tế cho thấy, qua quá trình học tại trường với thầy, cô và sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều trẻ khuyết tật dần được phục hồi chức năng, nhiều em khuyết tật khi trở về địa phương có thể sống tự lập, nuôi sống bản thân bằng chính kiến thức và năng lực lao động của các em. Do đó, làm tốt công tác giàu tính nhân ái này còn góp phần vào kết quả công tác đảm bảo an sinh xã hội ở mỗi địa phương.
Hồng Vân